Sinh ra, lớn lên trên mảnh đất xã Cẩm Chế (Thanh Hà) nhưng Trung uý Nguyễn Văn Tuyên (37 tuổi) lại có gần 20 năm gắn bó với bà con vùng cao huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Trung uý Nguyễn Văn Tuyên dạy các em nhỏ khu tập thể K380 học vẽ
Người dân nơi đây gọi anh với cái tên trìu mến là “ông đỡ” mát tay của những trẻ em vùng cao.
Khi vừa tròn 18 tuổi, anh Tuyên đăng ký lên đường nhập ngũ và được phân về công tác tại Kho K380 thuộc Binh chủng Pháo binh đóng quân tại huyện Chợ Đồn. Cuộc sống quân ngũ xa nhà có nhiều thiếu thốn nhưng bù lại anh nhận được tình cảm chân thành của bà con dân tộc nơi đây. Năm 2009, anh bén duyên rồi xây dựng gia đình với một cô gái người Tày. Vì lẽ đó, anh gắn bó với vùng đất này cho đến tận bây giờ.
Là y sĩ của đơn vị, công việc hằng ngày của anh là chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị và bà con dân tộc địa phương. Anh Tuyên chia sẻ: “Qua những chuyến đi khám, chữa bệnh cho người dân, tôi đã chứng kiến cuộc sống khó khăn với những phong tục, tập quán lạc hậu của họ. Nhiều bà mẹ phải làm lụng vất vả trên nương rẫy, gần đến ngày mới tới Trạm Y tế xã để sinh nở. Có những ca tự sinh tại nhà nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và con”.
Từ những băn khoăn, trăn trở ấy, năm 2011, anh mạnh dạn đề xuất với đơn vị được đi học nâng cao chuyên ngành sản khoa để phục vụ người dân. Năm 2013, sau khi hoàn thành khóa học, anh Tuyên trở về đơn vị tiếp tục thực hiện công việc chuyên môn của mình. Từ đó đến nay, anh đã giúp hàng trăm phụ nữ địa phương vượt cạn an toàn. Trong những lần đỡ đẻ ấy, có những kỷ niệm thật khó quên. Cuối năm 2013, anh Tuyên tiếp nhận một phụ nữ trẻ người Dao đang trở dạ sinh trong hoàn cảnh cả khu vực đều mất điện. Trời tối, anh và kíp trực phải dùng đèn chiếu từ điện thoại để giúp sản phụ sinh con. Sau gần 1 giờ đồng hồ, một bé trai kháu khỉnh nặng 3,5 kg đã chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa vì hồi hộp của các thành viên trong gia đình và kíp trực. Xúc động trước sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của anh, gia đình đã lấy tên anh để đặt cho cháu bé.
Trong cuốn nhật ký công việc của mình, anh ghi chi tiết các thông tin của những ca sinh nở mà mình phụ trách như họ tên bố, mẹ, ngày giờ nhập viện, giờ sinh, quê quán, tình trạng sức khỏe của mẹ và bé… Theo anh Tuyên, ghi như vậy vừa thuận lợi cho việc theo dõi, vừa để sau này còn tư vấn cho cha mẹ cách chăm sóc con cái, vì đồng bào nơi đây vẫn còn giữ những phong tục lạc hậu, nhất là với phụ nữ sau sinh.
Làm việc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu thốn trăm bề nên việc học hành cho trẻ nhỏ không được coi trọng. Từ năm 2011, đơn vị của anh Tuyên đã xây dựng kế hoạch cử cán bộ, chiến sĩ tổ chức các lớp học cho trẻ em vùng khó khăn. Trung úy Nguyễn Văn Tuyên là một trong số những người được giao nhiệm vụ này.
Các em học sinh rất thích nghe thầy Tuyên giảng bài, dạy từng chữ cái, giải từng bài toán hoặc vẽ một bức tranh. Anh luôn tỉ mỉ chỉ bảo cho từng em nhỏ những nét chữ làm nên nết người. Với sự kiên trì, tận tâm, thầy Tuyên có thể dạy nhiều trẻ từ mầm non đến tiểu học cùng một lúc.
Ngoài việc dạy kiến thức, thầy Tuyên còn dạy các em những kỹ năng sống cần thiết như bơi lội, đối nhân xử thế, sử dụng các vật dụng có sẵn trong tự nhiên để sinh tồn… Tại khu tập thể của đơn vị, thầy Tuyên còn được đồng đội tín nhiệm mở lớp phụ đạo cho con em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Chia tay Trung úy Nguyễn Văn Tuyên, chúng tôi còn giữ mãi niềm xúc động và sự thán phục với hình ảnh người lính, người thầy đặc biệt của đồng bào và trẻ em vùng cao này.
ĐỨC TÂM