Ông tôi vốn là một người lính bộ đội Cụ Hồ đã trường kỳ kháng chiến chống Pháp, từng tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch nổi tiếng mang tên Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông tôi vốn là một người lính bộ đội Cụ Hồ đã trường kỳ kháng chiến chống Pháp, từng tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch nổi tiếng mang tên Điện Biên Phủ năm 1954. Với tôi, chỉ cần nghĩ về ông, lòng đã tràn đầy cảm xúc tự hào, yêu mến. Có thời, đi đâu tôi cũng khoe ông tôi với chúng bạn.
Hồi còn nhỏ, bố mẹ tất bật đi làm, tôi thường ở nhà với ông, thậm chí còn bám theo ông suốt ngày. Đơn giản chỉ để được ông cho kẹo, dẫn đi rong chơi khắp làng và nhất là để được nghe ông kể chuyện kháng chiến. Ông thích kể chuyện kháng chiến đến lạ. Ông nhớ từng trận đánh, từng chiến dịch với những diễn biến phức tạp, hiểm nguy mà hào hùng. Những câu chuyện kháng chiến ông kể, đặc biệt là về đại tướng Võ Nguyên Giáp hấp dẫn đến mức làm cho lũ trẻ quê nghèo chúng tôi cứ túm tụm ngồi sát cạnh ông, há hốc miệng mà nghe. Đã thế, mỗi lần kể, ông lại thường ngân nga những câu thơ cách mạng hừng hực niềm tự hào. Những câu như: “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” hay “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”… đã nằm lòng trong trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ.
Tôi thích những buổi sáng mai khi nắng còn dìu dịu, gió thoảng hơi sương mát lạnh, được ngồi trên bậc thềm dưới mái hiên nhà, buông thõng đôi chân nhỏ xíu xuống dưới sân ngắm nhìn ông. Ông có chòm râu dài, có mái tóc bạc, đôi mắt sáng trên khuôn mặt hiền từ. Mỗi khi nhìn ông, chẳng hiểu sao tôi lại nhớ đến hình ảnh Bác Hồ trong khung ảnh được treo trang trọng nơi lớp học. Có khi trong những giấc mơ, tôi lại vui sướng khi biết ông là một ông tiên chuyên giúp đỡ những người tốt. Nhưng rồi nhìn vào những thương tích trên thân thể ông đang mang, nhất là vết sẹo lớn chạy dọc dài hết cả bắp tay trái, tôi lại thấy thương ông vô cùng.
Ông có cái hòm sắt để dưới gầm giường nơi ông nằm. Có lần tò mò hỏi, ông bèn kéo cái hòm mở ra cho tôi xem. Thì ra, trong cái hòm nhỏ ấy chẳng có gì to tát ngoài bộ quân phục đã sờn màu, chiếc mũ cối đã bạc phếch và đôi dép cao su cũ kỹ. Nhìn chúng, tôi thấy trong mắt ông rưng rưng một cảm xúc bùi ngùi khôn tả. Ông bảo với tôi, chúng có giá trị, ý nghĩa rất lớn. Chúng nhắc nhở ông nhớ về những năm tháng gian khổ mà hào hùng, về lý tưởng cao đẹp sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, về tình đồng chí, đồng đội keo sơn gắn bó… Bởi thế những kỷ vật ấy được ông cất đặt cẩn thận và luôn giữ bên mình như những vật báu vậy.
Có lúc tôi tự hỏi, có phải gắn bó lâu năm trong môi trường quân ngũ nên ông yêu hình ảnh người lính Cụ Hồ đến thế. Sống giữa thời bình, ông vẫn thích mặc áo bộ đội, đi dép cao su và đội mũ cối. Dù đã già nhưng tác phong của ông vẫn rất nhanh nhẹn. Ông bảo những năm kháng chiến ở rừng, một ngày hành quân cả trăm cây số là chuyện bình thường. Tôi phục ông nhất là mỗi khi ông gấp chăn và phơi khăn mặt. Dù bận rộn thế nào, tấm chăn cũng được ông gấp phẳng phiu như chiếc hộp đặt gọn gàng, ngăn nắp nơi đầu giường. Còn chiếc khăn mặt mỗi khi lau xong, kiểu gì cũng được ông vắt ngang đều đúng hai nửa trên chiếc dây phơi. Ông nói ông ở vậy quen rồi, nếu làm khác đi, trong người cảm thấy khó chịu lắm!
Thế mà hơn mười năm rồi, ông đã ra đi mãi mãi. Học xong cấp ba, tôi thi vào một trường quân đội. Mỗi lần nhìn bộ quân phục đang mặc, lòng lại nghĩ đến người ông đáng kính - người lính bộ đội Cụ Hồ ngày xưa đã truyền lửa cho tôi hôm nay và cho cả thế hệ mai sau!
Tản văn của AN VIÊN