Ôn thi tốt nghiệp THPT thời Covid

16/04/2020 06:12

Thầy và trò các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong tỉnh đang tích cực khai thác các công cụ học trực tuyến phục vụ ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Em Vương Thị Thúy, học sinh lớp 12H Trường THPT Nam Sách II sử dụng điện thoại học trực tuyến môn ngữ văn

Các phần mềm điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo... được các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên khai thác triệt để trong việc dạy kiến thức mới và ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho học sinh lớp12 khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Nhiều cách làm

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho biết dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra từ ngày 8 -11.8 nếu học sinh có thể đi học trở lại trước ngày15.6. Nhưng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên học sinh chưa biết khi nào có thể đến trường. Học sinh khối 12 tỏ ra sốt ruột khi chẳng còn mấy thời gian nữa sẽ bước vào kỳ thi rất quan trọng này.

Ngày 9.4, Trường THPT Bình Giang tổ chức thử nghiệm lớp ôn thi môn toán trực tuyến cho học sinh lớp 12C. Các giáo viên trong trường cùng tham dự để rút kinh nghiệm. Trong tiết dạy thử nghiệm, giáo viên của trường đã dùng nhiều phần mềm điện tử như Zoom Cloud Meeting, Microsoft Teams... để tương tác với học sinh. "Chúng tôi thống nhất sẽ sử dụng phần mềm Microsoft Teams vì so với những phần mềm khác, các thao tác dễ thực hiện hơn", thầy giáo Vũ Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Giang cho biết.

Buổi ôn thi trực tuyến trên nhiều lúc bị gián đoạn do tốc độ đường truyền hạn chế, giáo viên và học sinh thường xuyên mất tương tác. Thao tác dạy học trên các phần mềm nhiều, phức tạp. Nhiều em thuộc hộ nghèo, cận nghèo chưa có thiết bị học trực tuyến tối thiểu... Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường học trong tỉnh hiện nay. Trường THPT Bình Giang dự kiến hỗ trợ một phần kinh phí để những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo mua thiết bị học trực tuyến tối thiểu. Phân công ít nhất 2 giáo viên phụ trách hướng dẫn ôn tập trực tuyến/môn cho học sinh khối 12 để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau khi cần. Lãnh đạo một số trường THPT trong tỉnh cho biết cũng sẽ thực hiện như vậy.

Hầu hết các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trong tỉnh đã tổ chức dạy kiến thức mới và ôn thi cho học sinh khối 12 thông qua một số phần mềm như Viettelstudy, VNPT E-Learning, Microsoft Teams, Zoom Cloud Meeting… Do sự tương tác giữa thầy và trò trong lúc học trực tuyến thường hay bị gián đoạn nên các giáo viên đã chủ động gửi bài giảng, bài tập và tương tác thêm với học sinh qua Facebook, Zalo, email…

Nhiều trường THPT đã trang bị máy móc để dạy kiến thức mới và ôn thi THPT quốc gia cho học sinh

Việc nâng cấp đường truyền, mua sắm thêm các trang thiết bị, máy móc cần thiết để dạy và ôn thi trực tuyến cho học sinh cũng đang được các trường triển khai. Nhiều trường hướng dẫn học sinh khai thác tài liệu, bài giảng miễn phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhiều trường còn tổ chức ghi hình giáo viên hướng dẫn nội dung ôn tập, học sinh tự học và đưa lên website của trường, hệ thống học tập trực tuyến của Viettel, VNPT, YouTube, tăng cường khai thác, giới thiệu cho học sinh các bài giảng trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tinh giản nội dung học kỳ 2 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường đã cho các tổ, nhóm chuyên môn tập trung hệ thống hóa kiến thức trọng tâm trong chương trình sao cho ngắn gọn nhất nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn. 

Không chủ quan

Kiến thức học kỳ 2 của lớp 12 đã được tinh giản khá nhiều. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng dạy môn ngữ văn của Trường THPT Tứ Kỳ cho biết trong học kỳ này các em lớp 12 được giảm tải 3 trong tổng số 6 tác phẩm văn học gồm Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình và Hồn Trương Ba, da hàng thịt. "Tôi đã cô đọng bài giảng một cách tối đa, đồng thời cố gắng thể hiện sinh động bài giảng trên Powerpoint để học sinh có hứng thú học tập. Các tiết dạy kiến thức mới hoặc ôn tập đều được ghi hình và phát lại trên website của trường", chị Hồng cho hay.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố cấu trúc đề thi minh họa THPT quốc gia. Nhiều giáo viên nhận định cấu trúc và nội dung các đề thi này chủ yếu bám sát kiến thức cơ bản mà học sinh đã được học, tỷ lệ câu hỏi vận dụng, nâng cao giảm nhiều. Độ khó câu hỏi dạng nâng cao trong đề thi minh họa giảm hơn hẳn so với năm trước. Những câu hỏi này chủ yếu thuộc phần kiến thức học kỳ 1. "Câu hỏi thuộc phần kiến thức học kỳ 2 đều thuộc dạng nhận biết, thông hiểu, học sinh trung bình chịu khó học là làm được bài", một giáo viên Trường THPT Thanh Miện nói.

Đây thực sự là tin vui với học sinh lớp 12. Tuy nhiên, các em học và ôn thi trực tuyến tại nhà đòi hỏi ý thức tự giác cao, không được chủ quan, lơ là. Ngoài học trực tuyến, em Vương Thị Thúy, học sinh lớp 12H Trường THPT Nam Sách II còn dành thời gian xem lại các video bài giảng của giáo viên. Em và các bạn cùng lớp truy cập lấy thông tin bài giảng, làm và gửi bài tập cho giáo viên trên phần mềm Classroom. Mọi thắc mắc của các em cũng được giáo viên giải đáp trên phần mềm. "Em nghĩ học và ôn thi trực tuyến không khó nhưng cần ý thức tự giác và tập trung cao. Kiến thức học kỳ này đã tinh giản nhiều, ít bài tập khó nên chỉ cần chăm chỉ thì sẽ có kết quả tốt trong kỳ thi tới", em Thúy chia sẻ.

Cha mẹ học sinh cần dành thời gian quản lý, theo dõi, giám sát tình hình học tập của con, chủ động liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để cùng tháo gỡ khó khăn; cung cấp đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học và ôn tập của con.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ôn thi tốt nghiệp THPT thời Covid