Hôm 19.3, buổi lễ rước đuốc Olympic (từ Athens, Hi Lạp) đến Nhật vẫn diễn ra như kế hoạch. Nhưng việc nhiều nghi thức đã phải lược bỏ, càng mang lại cảm giác cô đơn cho người Nhật vào lúc này.
Nghi thức rước đuốc Olympic hôm 19-3 diễn ra trong sự lẻ loi của người Nhật và Ban Tổ chức
Vòng chung kết (VCK) Euro và Olympic Tokyo diễn ra chỉ cách nhau một tháng. Nhưng tại sao Euro sớm đưa ra quyết định hoãn 1 năm, còn ban tổ chức Olympic đến thời điểm này vẫn còn khăng khăng ý định tiến hành theo lịch dự kiến?
Đó là một trong những câu hỏi được tranh cãi dữ dội trong thời gian qua.
Mạo hiểm với sức khỏe vận động viên
"Olympic phải bị hoãn lại hoặc hủy bỏ". Tờ Washington Post giật dòng tít này chỉ một ngày sau khi chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach tuyên bố Olympic 2020 vẫn sẽ diễn ra bình thường.
"Vẫn còn 4 tháng rưỡi" - đó là lập luận chung của ông Bach, cũng như những người ủng hộ việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 theo kế hoạch ban đầu. Nhưng lập luận này thực sự yếu thế trước cơn bão chỉ trích từ các chuyên gia, nhà khoa học, vận động viên (VĐV) và cả các chính trị gia.
Giáo sư Yvonne Maldonado, chuyên gia hàng đầu về dịch tễ của Đại học Stanford, nhận xét trên Washington Post: "Họ mang rất nhiều người đến đó và rồi trả họ về lại mọi nơi trên thế giới. Đó là con đường hoàn hảo nhất của việc lây lan".
Cũng theo giáo sư Maldonado, sự lạc quan về việc chấm dứt dịch COVID-19 trong 4 tháng rưỡi nữa cũng bị chỉ trích là hoàn toàn không có cơ sở.
Từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát, truyền thông phương Tây đã đặt ra câu hỏi về việc có nên hoãn Olympic hay không. Thời điểm đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia bị COVID-19 tác động nhiều nhất.
Giờ đây, khi nước Nhật đang tự tin sẽ sớm khống chế hoàn toàn dịch bệnh, lại đến phiên các nước phương Tây lo sợ. Những ngày qua, nhiều VĐV hàng đầu thế giới đã dương tính với COVID-19. Sẽ thế nào nếu hàng ngàn người quy tụ về một nơi?
Sức ép với IOC và Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC) càng lớn hơn khi cách đây 10 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp đưa ra đề nghị hoãn Olympic Tokyo lại một năm. Rất nhiều người ủng hộ ông Trump.
"Quyết định tổ chức Olympic Tokyo như bình thường là vô cảm và vô trách nhiệm" - Hayley Wickenheiser, cựu vô địch môn hockey và hiện là thành viên của IOC, tỏ ra tức giận trong cuộc họp gần nhất của IOC.
Ngoài lý do sức khỏe, Wickenheiser còn đưa ra nhiều lý do khác để hoãn Olympic. Chẳng hạn việc các VĐV không thể tập luyện, thi đấu bình thường ở thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến phong độ của họ tại Olympic.
Nhiều người cũng chưa mường tượng được Olympic Tokyo sẽ tuyển chọn VĐV như thế nào khi mà nhiều sự kiện vòng loại đang phải tạm hoãn (Việt Nam mới có 5 VĐV giành vé dự Olympic 2020).
Hoãn Olympic khó hơn hoãn Euro
Nhưng cũng có thể thông cảm cho sự chần chừ của ban tổ chức Olympic khi đặt cạnh sự quyết đoán của UEFA trong việc hoãn VCK Euro 2020.
Đầu tiên, UEFA hoãn Euro 2020 vì lợi ích tài chính của họ. Việc VCK Euro 2020 được dời sang mùa hè 2021 tạo điều kiện để các giải đấu cấp CLB có thể kết thúc phần còn lại của mùa giải này.
Hiện các giải đấu hàng đầu châu Âu như Premier League (Anh), La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Champions League... vẫn còn 1/4 giai đoạn, ngừng hẳn mùa giải lúc này sẽ gây tổn thất đến hàng tỉ USD cho bóng đá châu Âu.
Một điểm khác biệt quan trọng khi so sánh VCK Euro 2020 (giờ đã trở thành Euro 2021) và Olympic Tokyo là số quốc gia đăng cai.
Có đến 12 quốc gia đăng cai VCK Euro sắp tới, kinh phí tổ chức được chia nhỏ ra, vì vậy không có một quốc gia nào phải chịu tổn thất quá lớn. Trong khi đó, nước Nhật hay thành phố Tokyo nói riêng sẽ phải "ôm trọn" những thiệt hại kinh tế nếu hoãn hoặc hủy Olympic.
Quy mô tổ chức của Euro và Olympic cũng khác hẳn nhau. Euro có thể có rất đông cổ động viên đến sân và người xem truyền hình, nhưng số lượng cầu thủ của họ chỉ là 552 cầu thủ (24 đội bóng). Tính cả các thành viên ban huấn luyện cũng không đến 1.000 người.
Trong khi Olympic Tokyo dự kiến sẽ đón khoảng 17.000 VĐV và huấn luyện viên. Nhiều người thì càng nhiều nguy cơ lây bệnh hơn nhưng cũng gây khó khăn hơn trong việc sắp xếp lại kỳ thế vận hội.
Mặt khác, việc dời Euro 2020 sang mùa hè 2021 tác động không nhiều đến lịch thi đấu của bóng đá thế giới (và nếu có cũng dễ dàng sắp xếp). Trong khi đó, với hơn 30 môn thể thao, việc thay đổi lịch Olympic sẽ gây xáo động rất lớn đến làng thể thao thế giới.
Điển hình như Giải vô địch bơi lội và Giải vô địch điền kinh thế giới đều sẽ diễn ra vào mùa hè 2021. Nếu dời Olympic Tokyo đến thời điểm đó sẽ trùng với hai giải đấu quan trọng này cùng rất nhiều giải vô địch thế giới khác.
Hoãn Olympic là một bài toán phức tạp hơn nhiều so với VCK Euro. Và khi quyết định sau cùng được đưa ra, rất có thể đó là quyết định hủy bỏ chứ không còn là tạm hoãn.
Họ nói gì về ý định tiếp tục tổ chức Olympic 2020? Tổng thống Mỹ Donald Trump: “Tôi đã nói rằng Nhật Bản có thể phải hoãn Olympic lại một năm. Sẽ tốt hơn nếu các sân vận động không có khán giả vào lúc này”. Chủ tịch Ủy ban Olympic Tây Ban Nha Alejandro Blanco: “Các VĐV không thể tập luyện và tham dự Olympic với trạng thái bình đẳng vào lúc này. Chúng tôi muốn Olympic được diễn ra, nhưng là với sự an toàn và bình đẳng. 4 tháng trước kỳ Olympic, các VĐV của chúng tôi không có được điều kiện tập luyện bình thường”. Cựu VĐV chèo thuyền từng 4 lần vô địch Olympic - Matthew Pinsent: “Bản năng giữ an toàn hoàn toàn không tương thích với việc tập luyện, đi du lịch và tụ tập đông người vào lúc này. Hãy giữ cho mọi người được an toàn”. |
Hoãn Olympic 2020 sẽ thiệt hại kinh tế nặng nề
Về bài toán kinh tế, trong trường hợp hoãn Olympic cũng thiệt hại nhiều hơn so với VCK Euro. Hiện nay, tuy chưa có thống kê chính xác về chi phí tổ chức Euro 2020, nhưng trang The Athletic tiết lộ con số này vào khoảng 330 triệu USD. Tuy các quốc gia đăng cai cũng chịu thiệt nhưng không quá lớn bởi có đến 12 quốc gia đăng cai VCK Euro sắp tới và mỗi quốc gia chỉ phải tổ chức 3-5 trận đấu trong một thành phố. Với những nước đã quá quen thuộc chuyện tổ chức các trận bóng hàng đầu thế giới như Đức, Ý hay Anh, họ gần như không phải xây sửa cơ sở hạ tầng cho việc tổ chức Euro. Còn thiệt hại với Olympic có thể lên đến hàng tỷ USD. Chính phủ Nhật thông báo chi phí tổ chức Olympic vào khoảng 12 tỷ USD. Nhưng Ủy ban kiểm toán Nhật Bản tin rằng con số thực sự cao hơn nhiều bởi có nhiều chi phí liên quan đến Olympic không được đưa vào. Các nhật báo uy tín như Asahi và Nikkei tin rằng Nhật Bản tiêu tốn đến 28 tỷ USD cho việc đăng cai Olympic. Dù vậy, nếu Olympic bị hoãn (hoặc hủy), không phải toàn bộ số tiền này sẽ "trôi sông" bởi đa phần trong đó được chi cho việc xây dựng, mở rộng các cơ sở vật chất. Điển hình như việc mở đường ray mới từ trạm tàu điện Tokyo tốn khoảng 3,7 tỷ USD. Không có Olympic, những đường ray tàu điện ngầm mới vẫn hữu dụng cho đời sống người Nhật. Sự lãng phí đến từ các hạng mục đầu tư khác, như làng VĐV rộng 13,4 ha nằm ở trung tâm Tokyo. Khu vực này bao gồm 21 tòa nhà cao tầng, được xây dựng với tổng kinh phí vào khoảng 2 tỷ USD. Sau Olympic, các tòa nhà sẽ trở thành chung cư. Và nếu hoãn Olympic, ban tổ chức sẽ phải đền bù hợp đồng với người dân cũng như các đơn vị đầu tư. Lực lượng nhân công, các loại hình dịch vụ cũng là những hạng mục bị thiệt hại nặng nề nếu thay đổi kế hoạch tổ chức Olympic. Việc chặng đua Trung Quốc Grand Prix bị hoãn đã gây thiệt hại cho Giải đua xe F1 khoảng 40 triệu USD về mặt tổ chức. Với Olympic quy mô gấp nhiều lần, con số sẽ cao hơn thế rất nhiều. |
Theo Tuổi trẻ