Nhờ mấy dòng status ngắn ngủi trên facebook “Tìm người ở chung phòng” mà tôi có chỗ trọ khá lý tưởng: vừa không đắt lại vừa gần trường...
1. Nhờ mấy dòng status ngắn ngủi trên facebook “Tìm người ở chung phòng” mà tôi có chỗ trọ khá lý tưởng: vừa không đắt lại vừa gần trường, chỉ cần đi bộ khoảng mười phút là tới giảng đường. Nhìn Mơ xinh xắn, hiền lành, hai mắt tròn xoe đen láy rõ là ngây thơ, tôi đã có cảm tình với nó. Cùng là sinh viên năm nhất, dù khác lớp nhưng cùng khoa nên tôi và Mơ dễ dàng ở chung phòng.
Nhà trọ được xây thành hai dãy, mỗi dãy có ba phòng đối diện nhau, tách biệt với nhà chủ bởi chiếc cổng sắt riêng. Phòng của tôi và Mơ ở ngoài cùng, đối diện là phòng của một chị sinh viên năm thứ ba tên Nhung. Suốt từ năm thứ nhất đến nay chị ấy chỉ ở một mình, không thích chung đụng với ai cả. Mơ thì thào vào tai tôi ngay hôm đầu tiên tôi dọn đến: "Chị ấy có người yêu rồi. Ở một mình cho tiện". Tôi giả đò ngơ ngác, không hiểu: "Tiện gì?". Mơ nhìn tôi cười: "Cậu ngố thế! Tiện nhiều thứ". Bên cạnh phòng tôi là phòng của "bà già độc thân khó tính", không chồng, không con, làm nghề bán hàng rong. Chân ướt chân ráo đến đây, tôi đã được bác chủ nhà trọ cảnh báo bà này không chỉ khó tính mà thỉnh thoảng còn lên cơn "chập mạch" nên không ở được với mẹ già và các anh chị em, phải đến nhà trọ để ở một mình cho thoải mái. Bà ấy gây sự với tất cả mọi người ở nhà trọ nên ai cũng muốn kiềng mặt bà ấy ra. Đối diện phòng "bà già độc thân khó tính" là phòng của hai mẹ con bác Nga. Chị Lan, con gái bác Nga lấy chồng 6 năm mà không có con nên vừa rồi hai vợ chồng đi thụ tinh nhân tạo. Để giữ thai, bác sĩ dặn chị không được đi lại nhiều, phải nằm yên một chỗ, treo chân lên, hai tuần đến viện khám một lần. Vì vậy, chồng chị thuê một phòng trọ để tiện việc thăm khám, để mẹ chị chăm nom, cơm nước cho chị đến khi nào "mẹ tròn con vuông" thì mới về quê. Phòng cuối, cùng dãy là phòng của chị Thảo, vừa tốt nghiệp đại học nhưng chưa xin được việc làm ổn định, vẫn đi bán hàng thuê. Đối diện phòng ấy là phòng của anh Tùng, người yêu chị. Hai người góp gạo thổi cơm chung, thuê hai phòng chẳng qua là đánh lừa bố mẹ chứ họ "sống thử" mấy năm nay rồi.
Hai dãy nhà chung nhau cái hành lang để dựng xe và chăng dây phơi quần áo chằng chịt ở giữa. Cũng may là phòng nào cũng có nhà vệ sinh khép kín, có chỗ nấu ăn chứ chung đụng, xếp hàng để tắm và giặt quần áo như ở ký túc xá thì tôi không đủ kiên nhẫn mà chờ đợi.
2. Chẳng hiểu ở nhà Mơ được bố mẹ nuông chiều thế nào mà nó không làm nổi việc gì ra hồn cả. Trước khi tôi chuyển đến ở cùng với Mơ, nó toàn đi ăn cơm bụi chứ không chịu nấu nướng. Nó bảo: "Vừa tiện, vừa đỡ phải rửa bát".
Bây giờ, tôi thống nhất hai đứa phải nấu ăn, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm vệ sinh, lại được rèn luyện nữ công gia chánh. Nó gật gù nhưng xem chừng băn khoăn lắm: "Nhưng tớ không biết nấu". Tôi trợn tròn mắt kinh ngạc nhìn nó như nhìn người ngoài hành tinh: "Cậu không biết nấu cơm? Thật không?". Nó nhìn tôi bằng ánh mắt thật thà, giọng tưng tửng: "Thật! Ở nhà tớ có phải mó tay vào việc gì đâu. Bà nội và mẹ tớ làm hết, bát tớ còn không phải rửa. Bố mẹ tớ chỉ cần tớ học giỏi thôi. Bố tớ bảo học giỏi thì sẽ kiếm được nhiều tiền, có nhiều tiền thì thuê Ô sin làm hết cho". Tôi cương quyết: "Ở đây không phải là nhà cậu, với lại cậu và tớ không thể thuê Ô sin nên phải tự làm thôi. Từ mai tớ sẽ hướng dẫn cậu cùng làm nhé!". Mơ ngây ngô hỏi tôi: "Có khó không? Tớ có làm được không?". Tôi bật cười: "Thưa nàng tiểu thư! Dễ lắm ạ, chỉ cần nàng để tâm một chút thôi".
Tôi đã giúp Mơ phân biệt miếng thịt vai với miếng thịt ba rọi đến năm lần bảy lượt mà nó cũng không nhớ. Mua được con cá về, nó loay hoay tự mổ, xong đem rửa xà phòng rồi mới rán. Tôi vừa cho miếng cá vào miệng đã nôn thốc nôn tháo. Hễ hôm nào Mơ cắm cơm mà tôi không giám sát là y như rằng nồi cơm nhão nhoét hoặc khô như rang, thậm chí có lần nó quên cho nước, chị Nhung phát hiện kêu toáng lên: "Mơ! Mơ ơi! Phòng em có cái gì cháy, khét quá", nó mới giật mình, mở nồi cơm ra thì ôi thôi, cháy đen sì. Từ bữa đó, dù về muộn tôi cũng giành việc nấu cơm, còn Mơ rửa bát. Nhưng hễ nó rửa xong là tôi lại lặng lẽ đi rửa lại vì cái bát nào cũng sặc mùi nước rửa bát. Mỗi lần như thế, Mơ chẳng nói chẳng rằng, không bực bội cũng không tự ái. Tôi nghĩ Mơ hiền nhưng kỳ thực nó chẳng hiền chút nào.
Vừa đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm về, tôi mở cửa phòng trọ, giật mình vì thấy Mơ ngồi thu lu trên góc giường, mắt vằn lên tức tối. Tôi lo lắng: "Cậu làm sao thế? Có chuyện gì à?". Giọng Mơ hậm hực: "Tớ vừa cãi nhau". Tôi ngạc nhiên: "Cãi nhau với ai? Làm sao mà cãi nhau?". "Cái bà già độc thân khó tính bên cạnh ấy. Trời mưa có mấy hạt, tớ chỉ lấy quần áo của phòng mình thôi. Hơi đâu mà lấy hộ bà ấy. Với lại mọi người dặn đừng có động vào đồ của bà ấy kẻo bà ấy tế cho. Thế mà bà ta chửi tớ là đồ nhà quê, đồ vô tâm, đồ ích kỷ, đồ đểnh đoảng, đồ không biết nấu cơm, sau này ma nó rước. Tớ điên tiết bảo ma nó rước tôi cũng không việc gì đến nhà bà, bà thử nhìn lại bà xem, đến ma nó còn chả thèm rước. Bà ấy định xông vào tát tớ, may mà bác Nga can ngăn nên bà ấy đứng ngoài chõ vào chửi tiếp. Đến khi bác chủ nhà đích thân xuống dọa đuổi đi thì bà ta mới nín" - Mơ tuôn ra một tràng, nước mắt lưng tròng. Tôi an ủi: "Thôi! Quên chuyện đó đi. Lần sau rút kinh nghiệm. Thần kinh bà ấy có vấn đề thì chấp làm gì cho mệt". Mơ vẫn còn ấm ức: "Thảo nào phải bỏ nhà bỏ cửa đến đây ở một mình. Rõ là đồ chập mạch".
3. "Bà già độc thân khó tính" có bồ làm cả dãy nhà trọ xôn xao. Nói là già chứ thực ra bà ấy chưa đến sáu mươi, người mập mạp, đẫy đà, hai bầu ngực căng đét, thây lẩy theo nhịp bước. Bồ của bà là một ông lão ngoài bảy mươi, dáng người gầy gò nhưng có vẻ quắc thước, mỗi lần đến xóm trọ đều đi con Cúp 50 màu đỏ. Hễ thấy con xe đó dựng trước cửa phòng số 2 là y như rằng chị Nhung nháy tôi với Mơ ra "rình". Đôi tình nhân già cũng kín đáo khép cửa phòng, thì thầm ở bên trong nên ở ngoài có trời mới biết họ làm gì. Bác Nga thấy bọn tôi tò mò, rình rập thì nẹt: "Thôi! Mấy cô để cho họ được yên. Hay lại thích bị tế sống hả?".
Ba chị em đang cười rúc ra rúc rích bỗng cánh cửa phòng số 2 mở ra. Mơ chạy tọt vào phòng, còn tôi và chị Nhung đứng im như trời trồng, mắt chữ o, mồm chữ a. Cứ tưởng bị "ca cải lương" một bài, không ngờ "bà già độc thân khó tính" xởi lởi khác thường: "Cơm nước gì chưa? Hôm nay bác không nấu nướng gì cả, đi ăn nhà hàng đây". Chị Nhung nhanh nhảu: "Chúc hai bác có một buổi tối vui vẻ ạ!". "Bà già độc thân khó tính" cười tít cả mắt, leo lên con xe Cúp 50, ôm eo ông già, tưởng như chiếc xe sắp bênh về phía sau.
Từ ngày có bồ, "bà già độc thân khó tính" thay đổi hẳn. Tự dưng sinh ra ngắm vuốt, chải chuốt và chỉ thích mặc đầm, lại còn xịt thứ nước hoa rẻ tiền nhức hết cả mũi. Mơ hay nguýt bà ấy một cái rồi bĩu môi: "Già rồi còn làm đỏm". Tôi coi đó là chuyện bình thường nên bảo nó: "Kệ người ta. Ai yêu mà chả thế".
Dãy nhà trọ dường như cũng bình yên hơn vì không nghe thấy tiếng gây sự, móc máy, chửi vu vơ nữa. Được hai tuần, mọi người lại xôn xao vì vụ đánh ghen tại phòng số 2. Thì ra ông bồ của "bà già độc thân khó tính" đang có vợ sờ sờ ra đấy chứ có góa vợ như lời ông ấy nói đâu. Bà vợ của ông ấy cử đám con cháu theo dõi và "dạy một bài học" cho mụ đàn bà "dám cướp chồng người khác, dám đào mỏ, dám dụ dỗ đàn ông đã có gia đình". Vừa đay nghiến, đám con gái của ông già vừa túm tóc, vừa xé áo làm bà kia chống đỡ không kịp. Chuyện đó xảy ra giữa ban ngày, chỉ có mẹ con bác Nga chứng kiến. Khi gọi được bác chủ nhà trọ xuống thì đám con cháu của ông già đã nhanh chân chuồn hết. Bác chủ nhà chỉ biết lắc đầu quay ra. Còn bác Nga nấn ná ở lại, vừa lấy dầu xoa bóp vừa an ủi hàng xóm: "Thôi! Chị ạ! Đừng nghĩ ngợi gì nữa. Chị có ăn mỳ để tôi nấu cho". "Không! Tôi chả thiết ăn uống gì đâu. Bằng ngần này tuổi đầu mà tôi còn bị người ta lừa. Người ta bảo góa vợ ba năm nay rồi. Người ta còn hứa cưới tôi. Vậy mà...". "Bà già độc thân khó tính" cứ nấc lên từng hồi như đứa trẻ vừa bị đánh oan, nước mắt thì túa ra.
Sáng hôm sau, nhà trọ yên ắng khác thường. Không thấy tiếng loẹt quẹt quét sân, không thấy tiếng bịch bịch tập thể dục của bà già độc thân như mọi ngày. Bác Nga nghi ngờ có chuyện chẳng lành xảy ra trong căn phòng số 2 nên đấm cửa thùm thùm. "Chị Hoa ơi! Chị Hoa ơi! Mở cửa! Mở cửa!" - giọng bác Nga lạc cả đi. Bấy giờ tôi mới biết "bà già độc thân" tên là Hoa.
Tôi và chị Nhung cùng chạy sang, vừa đấm cửa vừa gào tên "bác Hoa" nhưng bên trong vẫn im lìm. Trống ngực tôi đập rộn lên. "Phải gọi bác chủ nhà phá cửa thôi" - nói rồi chị Nhung chạy ào đi.
Khi cánh cửa phòng số 2 bật ra, đập vào mắt tôi là cảnh tượng bác Hoa nằm thõng thượt trên giường, người đắp chiếc chăn mỏng màu huyết dụ. Bác chủ nhà hoảng hốt gọi xe cấp cứu. Tôi nghỉ học, theo vào bệnh viện, còn Mơ thì nhất định phải đến giảng đường. Nó vẫn nhớ lâu thù dai nên không bận tâm đến chuyện sống chết của bà hàng xóm. Thì ra bác Hoa nghĩ quẩn đã uống thuốc ngủ tự tử. Những viên thuốc ngủ luôn để đầu giường vì có đợt bác Hoa bị mất ngủ, tối nào cũng phải dùng một viên. Chính cái bệnh mất ngủ kéo dài làm thần kinh bác bị ảnh hưởng nên hay cáu bẳn, thích gây sự với mọi người và được đặt biệt danh "bà già độc thân khó tính".
Suốt một tuần bác Hoa nằm viện, tôi và chị Nhung thay nhau nấu cháo, nấu mỳ mang vào cho bác. Mơ ra chiều hậm hực: "Đúng là rỗi hơi. Gọi người nhà bà ấy đến mà chăm sóc". "Tớ khuyên bác Hoa về nhà nhưng bác ấy cứ giãy nảy lên" - tôi giải thích - "Chắc bác ấy có nỗi khổ tâm riêng, chỉ đòi về nhà trọ thôi". Nhìn bác Hoa như người mất hồn, chị Nhung động lòng: "Khổ thân bác ấy".
4. Tuần nào anh người yêu của chị Nhung cũng đến ba, bốn bận. Hai người ríu rít khoác tay nhau đi chợ, nấu cơm, giống hệt như một cặp vợ chồng. Không khép cửa. Không ý tứ. Mơ hất hàm ra hiệu bảo tôi nhìn sang phòng đối diện: "Có người yêu kể cũng thích nhỉ? Diễn sâu chưa kìa!". Thì ra hai người đang hôn nhau. Rồi chị Nhung bị người yêu đè ngửa ra giường...
Từ hôm chứng kiến cảnh tượng mùi mẫn ở phòng đối diện, tự dưng tôi có ác cảm với chị Nhung. Mặc dù chị biết quan tâm đến người khác, biết nấu ăn ngon và rất thảo, có gì cũng chia cho phòng tôi; chị lại luôn ăn mặc đẹp, trang điểm bắt mắt và mùi nước hoa thoang thoảng vương lại mỗi khi chị đi qua nhưng trong mắt tôi, chị không còn trong trắng nữa. Mỗi bận anh người yêu của chị ghé qua, tôi liền đóng sập cửa phòng mình lại. Dường như chị cũng nhận ra thái độ của tôi nên chị có vẻ e dè mỗi khi tiếp chuyện.
- Mơ ơi! Hiền ơi! Cứu... chị với - tiếng chị Nhung thều thào ngoài cửa phòng làm tôi và Mơ tỉnh giấc. Mơ giụi mắt: "Này! Có đúng tiếng chị Nhung gọi không? Hay tớ ngủ mê?". Tôi ra hiệu cho Mơ im lặng, lắng nghe. Nhớ lời mẹ dặn, giữa đêm hôm khuya khoắt, có ai gọi cũng không được thưa ngay, "một tiếng là ma, ba tiếng là người".
- Mơ ơi! Hiền ơi! Chị chết... mất - rõ ràng tiếng chị Nhung bên ngoài.
Không đợi chị gọi đến lần thứ ba, tôi bật điện, mở cửa. Trước mặt tôi là cảnh chị Nhung xõa tóc, tay ôm bụng, máu đỏ tươi đầm đìa hai bên háng. Tôi hốt hoảng:
- Ối! Chị bị làm sao thế này? Sao máu ra nhiều thế?
Chị Nhung vịn vào cánh tay tôi, miệng thều thào như sắp đứt hơi:
- Chị... bị... sảy thai! Cứu... chị... với! - nói rồi chị ngất lịm.
Tôi gào lên:
- Có ai không, giúp tôi với.
Cả dãy trọ cùng bật đèn sáng trưng. Bác Nga chạy ra. Bác Hoa vùng dậy. Chị Thảo và anh Tùng cũng xúm lại. Người gọi taxi, người sắp quần áo cho chị Nhung. Người ở lại trông nhà trọ, người theo vào bệnh viện. Sau khi được cấp cứu, tiêm cầm máu, chị Nhung đã qua cơn nguy kịch. Da chị xanh nhợt như tàu lá. Tôi đỡ chị dậy, ép chị ăn mấy thìa cháo nóng. Nước mắt chị ầng ậc chảy dài xuống hai gò má: "Tại chị sợ... Sợ cái cảm giác người ta cạo sồn sột nên chị liều uống thuốc". Tôi đã được bác sĩ nói cho biết tình trạng của chị nên lảng sang chuyện khác: "Chị cố ăn đi! Mọi chuyện qua rồi".
Bác Nga xách một bịch hoa quả vào viện thăm chị Nhung. Giọng bác chân tình, nhỏ nhẹ: "Lần sau đừng dại dột như thế cháu nhé. Lỡ rồi thì cưới, thì đẻ. Như con gái bác đấy, có được đứa con có dễ dàng đâu, long trời lở đất ấy chứ, tốn hàng trăm triệu đồng. Thôi, nghỉ ngơi đi, một con sa bằng ba con đẻ, hại người lắm".
Chị Nhung úp mặt vào hai bàn tay, nức nở. Đôi vai của chị khẽ rung lên theo tiếng nấc. Bác Nga hết nhìn chị rồi lại nhìn tôi, lắc đầu, không hiểu.
Tôi cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra với chị Nhung cho đến khi phát hiện ra anh người yêu của chị đã lặn mất tăm, không đoái hoài, thăm nom, săn sóc chị trong những ngày chị nằm viện. Chị nhìn tôi bằng ánh mắt đỏ hoe, mọng nước. Tôi biết chị đang rất buồn, đang rất thất vọng bởi chị đã đặt tất cả niềm tin vào tình yêu, nhưng cuối cùng chị chẳng nhận được cái gì ngoài những mất mát và đau đớn.
5. Tiếng loảng xoảng, rầm rầm vọng ra từ căn phòng số 3 cùng dãy với phòng của tôi khiến cả nhà trọ tỉnh giấc. Không hiểu chị Thảo dọn phòng hay làm gì mà dậy sớm thế. Bác Hoa vừa ngái ngủ vừa bực bội:
- Mất trật tự quá! Làm gì mà khua khoắng ầm ĩ thế!
Mơ tò mò chạy lại, giả vờ tập thể dục, lé mắt nhìn qua khe cửa. Bỗng nó hét toáng lên:
- Ối trời ơi! Anh Tùng đánh chị Thảo.
Mọi người xúm lại trước cửa phòng số3. Nhưng cửa đã bị khóa trái. Tiếng chị Thảo rền rĩ vọng ra:
- Đây! Đánh nữa đi! Đánh chết đi! Tôi đã bảo không về quê là không về. Có chết tôi cũng ở thành phố. Về quê để đi làm công nhân à? Để cắm mặt vào mấy sào ruộng à? Để nối gót mẹ anh chăn lợn à? Không đời nào.
- Thế thì cô đòi cưới tôi làm gì? Cô định cứ sống như thế này đến bao giờ? Cô định ở trọ suốt đời chắc? - anh Tùng dứt lời, tiếng loảng xoảng lại vang lên. Nồi niêu, bát đĩa bay hết vào tường.
Bác Hoa gào toáng lên:
- Mở cửa ra! Mở cửa ra! Đồ vũ phu! Tôi gọi công an bây giờ.
- Các người đi hết đi! Không liên quan gì đến các người.
Bên ngoài cứ đấm cửa. Bên trong cứ loảng xoảng. Tiếng khóc lóc, tiếng cãi vã, tiếng quát tháo lẫn lộn. Đến khi cánh cửa phòng số 3 bật ra thì hai mắt chị Thảo đã sưng húp. Anh Tùng chẳng nói chẳng rằng, gói ghém đồ đạc để trả phòng. Chị Thảo ngồi bệt giữa ngổn ngang bát đĩa, nồi niêu, hai tay ôm bụng như ôm báu vật. Chị Nhung thấy thế, ngoảnh đi lau nước mắt. Không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ xếp lại đồ đạc cho gọn gàng.
Hôm nay, nhà trọ vắng vẻ khác thường bởi ba phòng đã dọn đi. Mẹ con bác Nga về quê sau chín tháng chờ đợi trong hy vọng và phấp phỏng để rồi hạnh phúc vỡ òa khi chị Lan vượt cạn an toàn. Chị Thảo cũng quyết định theo anh Tùng về quê lập nghiệp vì chị không muốn đứa con đang tượng hình trong người chị lại là đứa trẻ không có bố. Vài người ngấp nghé đến hỏi thuê phòng. Tự dưng tôi nhớ nhà đến nôn nao và thèm cái cảm giác được ở nhà mình hơn bao giờ hết.
Truyện ngắn của TRẦN THÚY LÀNH