Ô tô lại tăng giá, giấc mơ xe của người Việt cài số lùi

27/06/2018 16:04

Không chỉ xe nhập, xe lắp ráp cũng nhăm nhe tăng giá.


Một showroom trưng bày xe mới ở TPHồ Chí Minh. Ảnh BÁ CÔNG

Xe nhập tăng giá, xe trong nước cũng tăng

Toyota vừa có thông tin sẽ đưa mẫu Fortuner và Hilux về tay người tiêu dùng trong khoảng tháng 8 tới đây. Nhưng giá bán chẳng những không giảm mà còn tăng khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Nhân viên bán hàng của một đại lý Toyota cho biết để mua được mẫu Fortuner sắp tới, khách hàng có thể phải chi thêm 100 triệu đồng để lắp thêm phụ kiện.

Đối với mẫu bán tải Hilux, hãng xe này cũng đưa ra mức giá mới tăng từ 18 - 22 triệu. Cụ thể, phiên bản 2.4G 4x4 MT, có giá bán mới 793 triệu đồng (cao hơn 18 triệu đồng). Bản 2.4E 4x2 AT MLM có giá bán 695 triệu đồng (cao hơn 22 triệu đồng) và phiên bản 2.8G 4x4 AT MLM mới, có giá bán cao nhất 878 triệu đồng.

Như vậy, song song với chiến lược "bán bia kèm lạc", thì kể từ khi được bán ra, mẫu này đã được tăng lên 15 triệu đồng sau 2 lần tăng giá.

Không chỉ xe nhập, xe lắp ráp cũng hăm he lấy thêm tiền từ túi khách hàng. Trong nửa đầu năm 2018, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander cũng đã có đợt tăng giá nhẹ. 

Cụ thể, Thaco đã tăng 30-80 triệu đồng cho mẫu CX-5 lên mức 899 triệu - 1,019 tỷ đồng, trong khi mẫu xe rẻ nhất phân khúc CUV là Outlander 2.0 CVT cũng đã được Mitsubishi Motor Việt Nam tăng 15 triệu đồng lên mức 823 triệu đồng.

Hãng xe vẫn nằm cửa trên

Sau khi nhận được thông tin tăng giá từ Toyota, anh Hoàng Nguyên ngụ tại quận 12 tỏ ra nuối tiếc khi hồi tháng 10-2017 đã quyết rút cọc để đợi đến năm 2018 thuế về 0%, giá xe sẽ giảm 10-20%. Người đàn ông trạc 40 tuổi trầm ngâm: "Giá như năm ngoái quyết định mua xe thì bây giờ bán lại có khi còn lời".

Ở thời điểm đó, mẫu xe anh Nguyên dự tính mua là chiếc Fortuner phiên bản 2.4G 4x2 có giá 981 triệu đồng, không may mẫu xe này hiện nay đã tăng lên 45 triệu đồng lên mức 1,026 tỉ đồng.

Cũng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, anh Thế Anh, một "fan" của Mitsubishi, đã đợi mẫu Pajero từ mấy tháng nay. Được hay thông tin mẫu Pajero sẽ về nước trong thời gian tới, anh đã bán chiếc Jolie đời 2003 của mình để chuẩn bị "tậu" chiếc SUV cỡ trung của Mitsubishi.

Chắc chắn hơn, anh không đặt cọc mà chọn phương pháp sẽ mua ngay sau khi xe về đến đại lý. Mặc dù Mitsubishi vẫn chưa công bố mức giá của đợt hàng sắp tới, nhưng anh Thế Anh vẫn lo ngại xe sẽ tăng giá theo đối thủ của mình. Nhưng dù tăng hay không thì anh vẫn quyết định sẽ mua ngay trong lô xe sắp tới của Mitsubishi chứ không đợi nữa.

May mắn hơn các đồng hương khác, mẫu Honda CR-V là mẫu xe nhập khẩu đầu tiên đuợc bán tại Việt Nam. Trong tình trạng khan hàng, mẫu xe này trở thành cái tên "hot" trong thời gian qua khi liên tục nằm trong các bảng xếp hạng bán chạy nhất tháng. Tuy nhiên, các thượng đế của Honda vẫn phải đợi hàng mà không rõ lý do.

Theo phản ảnh từ phía khách hàng, có người đặt hàng từ tháng 3, hẹn giao xe trong tháng 5 nhưng đến hiện tại cuối tháng 6 họ vẫn chưa nhận được xe. Thậm chí có một số khách hàng đặt cọc từ tháng 5 và phải chờ đến quý 4-2018 mới có thể nhận được xe.

Kỳ vọng đang biến thành thất vọng

Tâm lý phân vân của khách hàng không chỉ ở thời điểm hiện tại mà đã có từ nửa cuối 2017 khi thông tin thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% khiến nhiều người sẵn sàng chờ. 

Bởi thuế nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến giá xe, về lý thuyết, giá xe chắc chắn sẽ giảm. Nhưng thực tế không được như kỳ vọng của người tiêu dùng. Bởi rào cản Nghị định 116 khiến các hãng xe không thể nhập xe về được trong nửa năm qua.

Hiện hầu hết các hãng xe đã có giấy chứng nhận chất lượng, có nghĩa xe nhập đã sẵn sàng đổ bộ về. Tuy nhiên, về chuyện giảm giá hay không vẫn chưa thể nói trước được. Bởi sức mua bị trì hoãn trong nửa năm qua sẽ đẩy thị trường đến cảnh cầu lớn hơn cung, nên các đại lý sẵn sàng tăng giá, hoặc bán kèm phụ kiện để tăng thêm lợi nhuận.

Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, với cơ sở đường sá giao thông tại Việt Nam hiện nay, Chính phủ buộc phải hạn chế số lượng ô tô bằng thuế quan hoặc bằng cách này, cách khác. Vị này dẫn chứng tính toán năm 2011 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy chỉ 9% đất ở trung tâm Hà Nội dùng để làm các trục đường chính và phụ. Trong khi đó, ở vùng Manhattan, New York (Mỹ), tỉ lệ này lên đến 32%. Đường sá thiếu, xe khó có cơ hội được "thả phanh".

BÁ CÔNG (Tuổi trẻ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ô tô lại tăng giá, giấc mơ xe của người Việt cài số lùi