Ở những thôn, khu dân cư chưa sắp xếp, sáp nhập: Nhiều lý do chưa thuyết phục

24/04/2019 12:00

Dù không đủ 50% tiêu chuẩn quy mô về số hộ, nhưng đến nay toàn tỉnh còn 57 thôn, khu dân cư (KDC) đề nghị không sáp nhập với nhiều lý do được cho là không thuyết phục, không mang tính đặc thù.


Đoàn giám sát của Tỉnh ủy kiến nghị không dự kiến phát sinh dân số do quy hoạch điểm dân cư mới sau này để tính vào quy mô số hộ đối với những thôn, khu dân cư trong diện phải sáp nhập

Khoảng cách xa?

Các thôn, KDC dự kiến sắp xếp, sáp nhập cách xa nhau, đó là lý do chính được nhiều địa phương đưa ra giải thích cho việc chưa sắp xếp, sáp nhập được số thôn, KDC trong diện phải sáp nhập. TP Hải Dương còn 19 thôn, KDC, nhiều nhất trong toàn tỉnh, trong đó có tới hơn 10 thôn, KDC nêu lý do khó khăn về vị trí địa lý, cách xa hoặc biệt lập với các thôn, KDC khác. Riêng ở phường Tứ Minh có 3 thôn, KDC trong diện phải sáp nhập là Đồng Tranh, Nhật Tân và Tân Minh đều cùng nêu lý do duy nhất là biệt lập, cách KDC gần nhất từ 1-2 km. Trong khi toàn phường Tứ Minh cũng chỉ rộng có 7,13 km². Do đó, chỉ với lý do về địa lý, 3 thôn trên chưa thực hiện việc sáp nhập là không thuyết phục.

Thôn Hảo Hội, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cũng đề nghị chưa sáp nhập chỉ vì thôn biệt lập, cách thôn Xuân Đức - thôn gần nhất 800 m. Theo anh Nguyễn Văn H., một người sống nhiều năm ở thôn thì đây không hẳn là lý do chính đáng vì việc có nhiều làng, cụm dân cư trong cùng một thôn, KDC không phải là hiếm và cũng không gây ảnh hưởng, phức tạp gì cho đời sống của nhân dân. Trong khi thôn Hảo Hội chỉ có 154 hộ với hơn 530 nhân khẩu thì việc nhập vào thôn khác càng tạo thêm nguồn lực để phát triển. Chỉ có lý do lớn hơn chính là lòng dân chưa thuận, chưa thông. Ở Đức Chính còn có thôn An Lãng cũng chỉ có 120 hộ với hơn 440 nhân khẩu và lý do chưa sáp nhập cũng là thôn biệt lập, cách thôn khác 300 m và đang có quy hoạch mở rộng KDC mới.

Nếu so sánh với 164 thôn, KDC đã hoàn thành việc sắp xếp, chia tách, sáp nhập thì lý do về khoảng cách, vị trí đúng là không thuyết phục. Khoảng cách 2 km cũng bằng khoảng cách giữa 2 thôn của một xã ở huyện Thanh Miện vừa thực hiện xong việc sáp nhập. Không ít các thôn trước sáp nhập có vị trí cách biệt hẳn với các thôn còn lại, có thôn nằm ngoài khu vực bãi sông, đường đi không thuận tiện…

Còn có một số lý do khác như khác biệt văn hóa, tôn giáo, phong tục, nếp sống, lịch sử hình thành… được giải trình cho sự chậm trễ trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, KDC trong diện phải sáp nhập. Ví dụ như 2 thôn Quang Tiền và Bá Đông, xã Bình Minh (Bình Giang) cách nhau khoảng 1,5 km, chưa thể sáp nhập vì cả 2 thôn đều là làng cổ, nếp sống, phong tục khác nhau... Thôn Tam Cửu (xã Hoàng Hanh) và thôn Trại Mũa (xã An Đức) cùng ở huyện Ninh Giang đều đề nghị chưa sáp nhập vì trong thôn có các hộ theo đạo Công giáo…

Chủ quan, ngại khó

Ông Nguyễn Đình Nhật, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Phương Độ, xã Hưng Thịnh (Bình Giang) cho rằng việc phổ biến, triển khai đến cán bộ, nhân dân về chủ trương sáp nhập với thôn Ngọc Mai nhanh và hơi vội. Theo ông Nhật, việc phát phiếu lấy ý kiến của nhân dân chỉ sau 2 ngày quán triệt, triển khai tới cán bộ chủ chốt, đảng viên là quá gấp, dẫn đến số phiếu nhất trí rất thấp, thậm chí có cán bộ, đảng viên còn chưa hiểu, chưa đồng thuận. Trong khi Phương Độ là thôn lớn với 284 hộ, hơn 950 người nên việc tuyên truyền, vận động để nhân dân đồng thuận phải rất kỹ lưỡng. Đến nay, dù đã triển khai vận động, tuyên truyền lần 2 nhưng vẫn có đến trên 85% đại diện hộ ở thôn Phương Độ không đồng tình sáp nhập.

Qua thẩm tra, đánh giá kết quả sắp xếp, chia tách, sáp nhập các thôn, KDC, ông Hoàng Ngọc Huyên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã nêu nguyên nhân chính ở nhiều nơi đề nghị chưa sáp nhập thôn, KDC là do sự chủ quan của không ít cán bộ cấp xã, huyện. Một số đồng chí cho rằng việc sáp nhập sẽ thuận lợi, đơn giản nên dẫn đến việc khảo sát chưa sát tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; việc tuyên truyền, vận động chưa kỹ. Đáng nói là hạn chế này xuất phát từ chính nhận thức, vai trò của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Có nơi cán bộ thôn, cán bộ chủ chốt cấp xã đã cho rằng để thuận tiện cho việc sắp xếp không cần phải lấy ý kiến của nhân dân; chỉ cần quyết định của cấp trên về việc sáp nhập. Có người đứng đầu cấp xã có tâm lý buông xuôi trách nhiệm vì thấy khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân; ỷ lại do nhân dân không đồng tình nên không sáp nhập…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) đã chỉ rõ vẫn còn cấp ủy, chính quyền cấp huyện và cơ sở thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, lúng túng về phương pháp, cách làm; công tác tuyên truyền vận động có lúc, có nơi chưa thực sự sâu rộng; việc nắm tình hình nhân dân chưa sát... Đồng thời, lý do một số thôn, KDC đề nghị không sáp nhập chưa thật thuyết phục, chưa phù hợp với thực tế và quy định chung. Về xem xét các thôn, KDC có tính chất đặc thù không thể sáp nhập, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu, ban hành hướng dẫn thật cụ thể, xác định rõ những tiêu chuẩn, yếu tố nào mới được coi là đặc thù.

Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã xác định kiên quyết sắp xếp tất cả các thôn, KDC, các xã, phường, thị trấn không bảo đảm tiêu chí theo quy định ngay trong năm 2019. Khi các lý do đưa ra không thuyết phục, chỉ có cách phải tiếp tục nêu cao quyết tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự gương mẫu của người đứng đầu.

THU MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở những thôn, khu dân cư chưa sắp xếp, sáp nhập: Nhiều lý do chưa thuyết phục