Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 10.7, vấn đề ô nhiễm môi trường được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà). Ảnh: Thành Chung
Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác thải
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện rất nghiêm trọng. Rác thải sinh hoạt chủ yếu được thu gom sau đó chôn lấp tại các bãi rác tập trung của các xã. Đến thời điểm này, hầu hết các bãi rác đều quá tải. "Rác tràn ra ruộng gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất nông nghiệp, nước rỉ từ bãi rác gây ô nhiễm hệ thống nước ngầm đó còn chưa kể đến mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí", đại biểu Hùng nói. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy xử lý rác thải hiện đại để triệt để xử lý rác thải nông thôn.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ người thu gom rác thải nông thôn, đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người làm công việc này bảo hiểm y tế (BHYT). "Công việc thu gom rác thải rất vất vả, tiềm ẩn mắc một số bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da. Tỉnh cần quan tâm hỗ trợ họ mua BHYT bởi kinh phí khoảng 700.000 đồng/người/năm. Mỗi xã khoảng 10-12 triệu đồng/năm", đại biểu Hùng đề nghị.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hưng, Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận công việc thu gom rác thải ở nông thôn rất vất vả trong khi thù lao của lao động lại thấp. "Số tiền mua BHYT cho người thu gom rác mỗi xã từ 10-12 triệu đồng/năm không lớn nhưng đây là chính sách nên phải được Trung ương đồng ý", ông Hưng nói.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) phản ảnh về việc nhiều xã không chọn được điểm có đủ tiêu chí để xây dựng bãi chôn lấp rác. Nhà máy xử lý rác nằm trên đất Thanh Hà nhưng huyện không xử lý được rác tại nhà máy này. Tỉnh đã có chủ trương ưu tiên cho 8 xã, thị trấn của Thanh Hà chuyển rác sang xử lý tại nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn). Ảnh: Mai Liên
Ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết trước kia các xã trong huyện đều có bãi chôn lấp rác tập trung nhưng hiện nay một số xã đã bàn giao đất cho phát triển công nghiệp nên không còn đất để làm bãi chôn lấp rác, khiến nhiều xã gặp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) đề nghị HDND cần xây dựng chương trình giám sát chuyên đề tại các doanh nghiệp chuyên gây ô nhiễm môi trường mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần như Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng, Công ty CP Thép Hòa Phát...
Đề cập vấn đề ô nhiễm không khí từ Đài hóa thân hoàn vũ Hải Dương, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Vân (Gia Lộc) cho biết đài hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đài hóa thân hoàn vũ không chỉ hỏa táng những người đã chết trong tỉnh mà còn hỏa táng cho người ở một số tỉnh lân cận. Ban ngày không nhìn thấy khói nhưng ban đêm, khói đen mù mịt bao phủ cả xã Tân Hưng và một phần phường Hải Tân (TP Hải Dương), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Đại biểu Vân lo ngại khi nghị quyết hỗ trợ hỏa táng được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này, số ca hỏa táng sẽ tiếp tục tăng nên ô nhiễm môi trường vì thế sẽ còn nghiêm trọng hơn. Đại biểu Vân đề nghị cần di chuyển Đài hóa thân hoàn vũ ra khỏi TP Hải Dương.
Quy trách nhiệm rõ hơn khi để xảy ra khai thác cát trái phép
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ). Ảnh: Phương Linh
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) đề cập vấn đề nạo hút cát trái phép cần phải quy trách nhiệm cụ thể, trước hết của công an địa phương, môi trường. Đặc biệt là phải quy trách nhiệm cả các hạt quản lý đường sông. Làm rõ hơn vấn đề này, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết xuất hiện tình trạng người dân tiếp tay cho "cát tặc". Những hộ dân có diện tích bến bãi ven sông đã ngấm ngầm bán diện tích đất canh tác của mình cho cát tặc để tập kết nguyên vật liệu...
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng nêu thực trạng tại trạm Tiên Kiều và trạm Ba Kèo - nơi có cảnh sát đường sông cắm chốt lại là những điểm nóng nhất về khai thác cát trái phép.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) rất bức xúc trước việc ông Tiêu Văn Đạt ở xã Đông Kỳ tiếp tục đốt gạch. Theo đại biểu Sẫm, lý do ông Đạt tái diễn đốt gạch là do Tòa cấp cao tại Hà Nội thụ lý đơn kiện mới đây đã tuyên hủy một phần quyết định của UBND huyện Tứ Kỳ về việc dừng và tháo dỡ lò gạch của ông Đạt. Tuy nhiên, tòa lại không ghi hủy một phần quyết định ở chỗ nào. Tòa cũng không tuyên ông Đạt có được phép tiếp tục đốt hay không. Khi mọi việc còn chưa rõ ràng, một số tờ báo điện tử đã đăng bài đi ngược lại chủ trương dừng đốt lò gạch của tỉnh. UBND huyện Tứ Kỳ đang có khiếu nại bản án lên Tòa án tối cao. "Việc tự ý xây dựng lò gạch và đốt gạch của ông Đạt là trái pháp luật do ông Đạt không được cấp phép dự án đốt gạch", đại biểu Sẫm nói.
NHÓM PV