Thảo luận tại tổ chiều 11.12, nhiều đại biểu lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng trầm trọng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ)
Các bãi rác chôn lấp đều đầy
Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) lo ngại các bãi rác ở nông thôn hiện đang quá tải sẽ khiến môi trường xung quanh, môi trường nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Khảnh cho biết công việc thu gom rác thải sinh hoạt ở nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn khi kinh phí thấp, không hấp dẫn người tham gia thu gom, dẫn đến có những nơi thu gom 1 lần/tuần nhưng có những nơi 1 tháng mới thu gom 1 lần, rất mất vệ sinh.
Lo ngại ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) cho biết hiện không phải chỉ ở khu vực nông thôn mà tất cả các địa phương đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường là do rác thải không được xử lý một cách triệt để dẫn đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đây cũng là nguồn gây bệnh cho người dân. Theo đại biểu Hùng, người dân hiện mắc nhiều bệnh do môi trường bị ô nhiễm. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm cần có các chế phẩm giúp rác nhanh phân hủy. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh cần quan tâm đến những người trực tiếp thu gom rấc thải. Đóng các loại bảo hiểm cho họ bởi họ là những người trực tiếp tiếp xúc với rác thải, các nguồn lây bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Quang Toản, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: "Tôi vừa được đi thực tế ở Hàn Quốc thấy ý thức của người dân của họ rất cao. Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất là công tác tuyên truyền. Do đó cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền về vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường".
Cần có nhà máy xử lý rác thải nông thôn
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Các đại biểu đều nhất trí phải có nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại chứ không cứ mãi chôn lấp như hiện nay. Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) đề nghị tỉnh cần quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải hiện đại. "Các xã đều được đầu tư một bãi chôn lấp rác tập trung nhưng đến nay đều đã đầy vì chỉ xử lý theo kiểu chôn lấp. Các địa phương cũng cần tìm ra một vị trí xây dựng nhà máy cho phù hợp. Vấn đề này cần phải được bàn bạc kỹ lưỡng vì không địa phương nào muốn đưa nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn mình", đại biểu Khảnh nói.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) cho biết, Thanh Hà có nhà máy xử lý rác thải đóng trên địa bàn nhưng huyện song rác của Thanh Hà lại không được xử lý tại đây. "Cái mà người Thanh Hà được hưởng thời gian qua chỉ là mùi xú uế của rác thải tại đây", đại biểu Dũng bức xúc.
Đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà)
Đại biểu Phạm Văn Sang (Thanh Miện) kiến nghị, hiện nay, việc xử lý rác thải nông thôn rất nguy hại, chỉ chôn lấp nên rất ô nhiễm. Đại biểu Sang kiến nghị tỉnh nên có kinh phí hỗ trợ để xử lý chất thải rắn.
Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền, nhất là việc phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Có phân loại rác mới có thể xử lý được. Các bãi rác chôn lấp hiện nay chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài có có nhà máy xử lý rác một cách triệt để. Cần có cơ chế rõ ràng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Theo ông Long, vấn đề nước thải cũng cần phải được quan tâm. Hiện nay, một số tuyến kênh đã quá ô nhiễm nặng như kênh Thạch Khôi - Đoàn Thượng ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tỉnh sẽ quan tâm đến xử lý rác thải, nước thải ở các làng nghề, khu dân cư, đô thị mới.
NHÓM PV