Những ảnh hưởng tiêu cực không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ sảy thai lên 50%, theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Bắc Kinh.
Các nhà nghiên cứu phân tích hồ sơ bệnh án của hơn 25.000 phụ nữ mang thai sống ở Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2017. So sánh bệnh án của những phụ nữ này và mức độ tiếp xúc với không khí ô nhiễm bao gồm SO2 và CO, các nhà khoa học tổng kết cứ 10 μg/m3 SO2 trong không khí từ nhà máy hạt nhân và khói bụi xe cộ làm tăng nguy cơ sảy thai lên 41%. Ô nhiễm không khí tăng cao hơn sẽ dẫn đến nguy cơ sảy thai đến 52%.
Các nhà khoa học cũng phát hiện mối liên hệ trực tiếp giữa lượng chất hóa học độc hại trong không khí từ đốt nhiên liệu hóa thạch và số phụ nữ sảy thai "âm thầm" - tình trạng sảy thai mà không có dấu hiệu rõ ràng.
Bác sĩ Patrick O' Brien, chuyên gia tư vấn phụ sản và phát ngôn viên của Đại học Phụ sản Royal (RCOG) cho hay, khoảng 6,8% người trong hồ sơ dữ liệu đã sảy thai mà không hề hay biết, đặc biệt khi sống ở khu vực ô nhiễm có nguy cơ cao hơn.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu. Ảnh: Line Today |
Giáo sư Liqiang Zhang, Đại học Sư phạm Bắc Kinh và thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết việc phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn có thể giúp giảm rủi ro trong quá trình mang thai nhờ những biện pháp chủ động phòng tránh trước.
Giáo sư Zhang cũng nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu không khí ô nhiễm ảnh hưởng đến bào thai trong bụng mẹ như thế nào.
Ruth Bender - Atik, giám đốc quốc gia của Hiệp hội Sảy thai, cho hay các yếu tố khác như nghèo đói và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn cũng có thể tính là nguyên nhân ảnh hưởng xấu tới phụ nữ mang thai giống như không khí ô nhiễm. Lời khuyên dành cho phụ nữ mang thai là nên mang khẩu trang khi ra ngoài đường, nên tìm cách giảm tối đa tiếp xúc với không khí ô nhiễm và thay đổi cách sống, như bỏ thuốc lá...
Một nghiên cứu vào tháng 9 tìm thấy các nguyên tử carbon đen trong nhau thai của những bà bầu tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong quá trình mang thai.
Theo VnExpress