Ồ ạt cho con thi toán "quốc tế": Thói hám danh khó bỏ của người Việt?

05/11/2021 06:24

Tại kỳ thi Olympic quốc tế Toán và Khoa học châu Á (ASMO 2021), nhiều phụ huynh và giáo viên toán bất ngờ khi trong một đề bài toán lớp 2 yêu cầu học sinh phải tính số thập phân, phân số, hỗn số.

“Đây là phần kiến thức vượt quá xa so với chương trình môn toán lớp 2 của Việt Nam, do đề cập tới các phép tính trên phân số. Tôi tin rằng nhiều em có thể sẽ “khoanh liều” khi gặp câu hỏi này. Còn nếu giải được, tức học sinh ấy đã phải học trước và đã bị nhồi nhét rất nhiều. Điều này sẽ rất nguy hiểm bởi những học sinh ấy dễ bị mất gốc do phải “học nhảy”, làm bài như một cái máy mà không hiểu gì. Bên cạnh đó, điều này cũng sẽ phá vỡ cấu trúc học tập và không giúp ích gì cho tư duy của trẻ", một tiến sĩ toán học nổi tiếng phải thốt lên khi đọc đề thi.


Bài toán lớp 2 khiến nhiều phụ huynh và giáo viên dạy toán ngạc nhiên

Biết có vấn đề nhưng vẫn ham?

Vị tiến sĩ toán học trên nhận định nhiều phụ huynh dù biết một số kỳ thi gắn mác "quốc tế" có vấn đề nhưng vẫn muốn con mình được tham gia bởi tâm lý thích thành tích, huy chương.

“Không nhiều phụ huynh nghĩ tới việc tham dự cuộc thi này sẽ giúp cho con họ điều gì. Cái họ mong muốn là con giành được những tấm huy chương để 'khoe khoang' trên mạng xã hội và để con không bị thụt lùi so với bạn bè”, thầy giáo này thẳng thắn nói.

Trong khi số khác lại mong muốn việc đầu tư cho con tham dự và giành giải thưởng trong các cuộc thi dạng này sẽ giúp cho hồ sơ của con mạnh hơn, từ đó thuận lợi trong các kỳ thi chuyển cấp.

Không chỉ phụ huynh, các nhà trường, Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng rất khuyến khích học sinh tham gia các kỳ thi “quốc tế”. Theo vị này, có nhiều lý do khiến các cấp “lãnh đạo” mong muốn học sinh tham gia.

“Có thể do chính những vị lãnh đạo ấy cũng không nhận thức đúng thực chất của các kỳ thi. Họ chỉ cần nghe đến danh 'quốc tế' là đã ra sức biểu dương, khen thưởng. Cuối năm, các trường lại thống kê thành tích để báo cáo lên phòng, sở. Khi học sinh đoạt giải 'quốc tế', các tỉnh tiếp tục tung hô 'giáo dục mũi nhọn' vẫn rất tốt. Thế nên, sở càng cần những thành tích như thế để có tư liệu báo cáo”.

Nhưng, còn một lý do quan trọng khác, là những khoản tiền “hoa hồng” không hề nhỏ đã khiến nhiều trường học hăng hái “tát nước theo mưa”.

“Những cuộc thi nhập khẩu đứng sau thường là các tổ chức tư nhân. Họ sẽ đi đến giới thiệu tại từng nhà trường, phòng, sở, đồng thời móc nối và có thể chia phần trăm hoa hồng lệ phí tham gia. Vì thế, khuyến khích học sinh tham gia càng nhiều càng tốt".

Vị này cũng kể lại câu chuyện mình từng chứng kiến, một phụ huynh có con lọt vào vòng thi quốc tế của một cuộc thi toán, nhưng vì lệ phí phải nộp cùng chi phí đi lại, ăn ở cho con em mình và giáo viên quá cao nên đã xin nhà trường cho rút lui. Trong khi đó, một số gia đình khác vẫn muốn con được đi thi nhưng lại không dám kêu ca đành phải bỏ ra số tiền gần trăm triệu đồng để con ra nước ngoài “cọ xát”.

“Đắt đỏ như thế nên để lựa chọn học sinh tham dự các cuộc thi này cũng cần có tiêu chí riêng. Các trường thường chọn những em có học lực tốt, gia đình cũng phải có điều kiện. Sau đó, nhà trường sẽ xin phép Sở Giáo dục và Đào tạo cho tham gia, danh chính ngôn thuận là đoàn của trường, nhưng thực chất là tiền phụ huynh bỏ ra”.

Phụ huynh cần tỉnh táo

Một giảng viên sư phạm toán đưa ra nhận định, hầu hết các cuộc thi "quốc tế" được nhập khẩu về đều được giới thiệu “mang ý nghĩa thúc đẩy phong trào học tập của học sinh”. Các cuộc thi này cũng thường trao rất nhiều giải. Chính vì thế, phụ huynh càng muốn cho con tham gia.

Nhưng cũng vì nội dung thi thường “không khớp” với chương trình nên nhiều phụ huynh phải ra sức cho con “chạy đua” luyện thi để giành giải. Trong khi đó, có những phụ huynh vì chưa có nhiều kinh nghiệm cho con tham gia “chinh chiến” thường dễ thất vọng và hoang mang khi thấy con mình không đáp ứng được yêu cầu của đề.

Do đó, một trong những lợi ích khác của những trung tâm, đơn vị nhập khẩu các kỳ thi quốc tế này về là để các trung tâm vệ tinh “ăn theo”. Họ có thể thu học phí với giá “cắt cổ”, nhưng phụ huynh cũng không thể không cho con ôn luyện vì như thế mới bảo đảm việc có huy chương.


Học sinh tham dự cuộc thi được giới thiệu mang "tầm quốc tế"

Việc cho trẻ tham gia quá nhiều kỳ thi như vậy, theo vị tiến sĩ toán học, không những không rèn được cho trẻ tư duy, tình yêu và niềm đam mê toán học mà còn khiến trẻ thiếu đi những định hướng cụ thể.

“Mỗi cuộc thi lại có mục tiêu riêng. Khi đi luyện thi như thế, học sinh cũng phải “nhập cuộc” vào những kiểu học riêng. Cuối cùng, học sinh phải tiếp thu một lượng kiến thức rất hỗn loạn. Đó là điều nguy hiểm cho một đứa trẻ.

Chưa kể, đã đi thi ai cũng mong muốn phải có giải. Một đứa trẻ nếu thất bại liên tục sẽ mất tự tin, làm thui chột năng khiếu. Điều này vô hình tạo ra những áp lực lên đầu đứa trẻ”.

Theo vị này, “cuộc đời của một đứa trẻ không nên tính bằng số lượng huy chương đạt được mà cần tính bằng việc chúng sẽ làm được gì. Do đó, muốn phát triển một “cây non” thật tốt, không nên bắt chúng phải “chịu tải”.

“Tôi cho rằng việc tham gia nhiều cuộc thi có khả năng làm hỏng tư duy của một đứa trẻ hơn là tạo cho chúng một lối tư duy tốt hơn. Do đó, nếu phụ huynh mong muốn cho con em mình tham gia cần phải tỉnh táo lựa chọn những cuộc thi uy tín từ những tổ chức uy tín, đồng thời tham khảo về chất lượng đề thi trước khi đưa ra quyết định. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng của việc học toán không phải là để thi cử, mà đó là công cụ giúp trẻ hình thành tư duy logic và cách giải quyết vấn đề”.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Ồ ạt cho con thi toán "quốc tế": Thói hám danh khó bỏ của người Việt?