Ông Nguyễn Huy Sáu ở khu 6, thị trấn Thanh Miện (Hải Dương) thành công mô hình nuôi ong ngay trên đất phố cho thu nhập cao.
Ông Sáu cho biết là đang sở hữu 20 đàn ong, vừa giống nội, vừa giống Ý. Ông bảo nghề này chỉ khó với ai hay nản chí, còn với những người kiên trì chăm học hỏi, yêu thích loại côn trùng ong thì lại trở nên dễ dàng. Giữa nơi phố thị chỉ toàn nhà, ông Sáu vẫn thiết kế được khoảng sân sau và trên gác để đặt ong. Mở nắp chuồng, ông tâm sự: Người làm nghề này phải nắm bắt được đặc tính của ong để từ đó biết cách chăm sóc, nếu không nó sẽ bốc bay. Ong là loài côn trùng ưa sạch lại không chịu được rét, bởi vậy việc đặt hướng, nơi thoáng mát vệ sinh gầm cầu là cần thiết. Theo ông Sáu, nghề này chỉ khó khăn khi người nuôi gặp thời tiết bất lợi, phải dùng tiền của để đầu tư mua thức ăn cho ong, còn tất cả đều nằm trong tầm tay người nuôi.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Thanh Miện mới chỉ có 261 đàn ong. Lượng mật ngoài thiên nhiên đang bị lãng phí chưa được con người tận dụng khai thác. Gia đình ông bắt đầu nuôi ong từ những năm 1986. Vào chính mùa, cả nhà trở nên bận rộn với việc thu hoạch nhưng khi nhìn thùng mật đặc sánh vàng óng ai cũng lấy làm vui lắm. Với mục đích tạo ra lượng mật chất lượng để gia đình sử dụng nên ông rất thận trọng trong thu hoạch. Khi người ta muốn có lợi nhuận cao, thường 3 ngày đem quay mật một lần, nhưng với ông chỉ áp dụng chế độ 1 tuần thu hoạch một lần, lúc ấy mật có dấu hiệu phủ màng trắng kín cầu, đó mới là mật chín ,chất lượng. Chỉ là nuôi "chơi" nhưng vẫn cho phép ông thu hoạch từ 10 đến 12 lít/ đàn/ năm. Trong khi đó, không phải mất nhiều tiền để mua đường làm thức ăn cho ong trái vụ. Biết tiếng ông Sáu có nguồn mật chính tông nên người trong khu, nhiều người ở xa tìm đến ông mua với số lượng lớn. Hằng năm, vào mùa xuân ong phát triển mạnh, ong chúa phối giống và có dấu hiệu chia đàn. Việc tách đàn cho ong hết sức quan trọng. Mỗi một đàn khoẻ mạnh cho phép người nuôi tách thành 4 đàn. Với ông Sáu, nghề nuôi ong đã thực sự là tâm huyết. Hễ có ai yêu thích nghề đang thiếu kiến thức đến tìm, ông lại nhiệt tình đến tận nơi giúp họ.
Như vậy, nuôi ong không phải là nghề khó, thậm chí bất cứ ai cũng có thể làm được. Trong thời kì bão giá và khó khăn cho sản xuất như hiện nay, thì việc người nông dân đầu tư nuôi ong là một cách làm hay. Ngoài việc tăng nguồn thu nhập, nghề nuôi ong còn giúp con người khai thác nguồn mật từ thiên nhiên và giúp mùa màng của chính mình được đậu hơn, cho năng suất cao hơn
(Theo Báo Người cao tuổi)