Khao khát lớn nhất của chị là được làm mẹ như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác nhưng số phận nghiệt ngã đã cướp mất của chị cái thiên chức cao cả đó.
Chị đã khóc thầm khóc vụng không biết bao nhiêu ngày tháng. Dù người chồng thứ nhất hết mực yêu thương, cảm thông và đưa chị đi chạy chữa khắp nơi nhưng áp lực từ phía gia đình chồng khiến chị chủ động ly hôn để nhận hết đau khổ, thiệt thòi về mình.
Chị đến với anh là cảnh “rổ rá cạp lại”. Cả hai đều trải qua một lần đò nên càng trân trọng hạnh phúc gia đình. Vợ anh mất đã 5 năm rồi mà anh vẫn lủi thủi sống cảnh gà trống nuôi con. Ba bố con lúc nào cũng quấn quýt bên nhau. Anh tìm mọi cách để bù chi bút chít cho các con vì thương chúng sớm mồ côi mẹ. Bao thú vui của đàn ông như la cà quán xá, nhậu cùng bạn bè đồng nghiệp… anh đều từ chối. Cứ hết giờ làm việc là anh đến trường đón con, tắm rửa, cơm nước, dọn nhà. Anh vừa làm một người bố lại vừa kiêm những việc của một người mẹ.
Từ khi có chị về ở chung nhà, anh thảnh thơi hẳn. Chị đảm đương mọi việc từ chợ búa, cơm nước và đưa đón các con anh đi học. Hai đứa trẻ lúc đầu còn dò xét xem chị là người thế nào, có yêu quý chúng thật lòng không. Với khát khao tận đáy lòng của một người phụ nữ muốn làm mẹ, với tình cảm chân thành, sự chăm sóc chu đáo, tận tình, chị đã dần chiếm được cảm tình của các thành viên trong gia đình anh. Nhiều đêm, chị để anh nằm một mình rồi sang ngủ cùng hai con hoặc chị vui vẻ để ba bố con ngủ với nhau. Trong bữa ăn, có miếng nào ngon chị cũng gắp cho các con trước. Quần áo mới chị cũng sắm cho các con nhiều hơn là sắm cho mình. Tối tối, chị ngồi kèm các con học bài. Chúng chỉ hắt hơi sổ mũi một chút là chị đã lo cuống cả lên. Có đêm, đứa bé sốt, chị thức trắng cả đêm ngồi canh chừng giấc ngủ cho nó.
Thi thoảng bạn bè khuyên chị phải sống cho mình, hy sinh cho chồng và con chồng vừa phải thôi, cần để dành tiền riêng mà “phòng thân” bởi trong hoàn cảnh của chị khó mà lường trước mọi chuyện. Có người còn khuyên chị về giục anh làm lại sổ đỏ để chị “có phần”, sau này khỏi lo con chồng “đuổi ra đường”. Chị gạt đi: “Dù chẳng phải máu mủ của mình nhưng mình đối xử tốt với nó thì ắt nó sẽ cảm nhận được. Gái có công thì chồng chẳng phụ”. Chị tin tưởng anh và yêu thương các con anh hết mực nên chẳng bao giờ có ý nghĩ giấu quỹ đen, quỹ đỏ hay đòi đứng tên đất cát, nhà cửa.
Bọn trẻ càng lớn thì chị càng vất vả hơn trong việc dạy dỗ, rèn cặp. Nhất là khi chúng bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi khiến chị vừa phải cứng rắn, nghiêm khắc lại vừa mềm mỏng, dịu dàng. Chị biến mình thành một người bạn của các con, dành thời gian gần gũi, tâm sự, chia sẻ với chúng. Nếu đứa nào có lỗi thì chị chỉ ra cho chúng biết, không bao giờ chị nói riêng sau lưng với chồng. Sinh nhật của bọn trẻ, chị tổ chức rất vui vẻ và đầm ấm. Ngày giỗ của mẹ chúng, chị nhắc trước cả tuần và chuẩn bị rất chu đáo. Có lẽ vì những điều này mà hai đứa con của chồng rất kính trọng và yêu thương chị. Chúng gọi chị bằng “mẹ” một cách tự nguyện chứ không hề bị gượng ép.
Từ khi đỗ đại học, đi học xa nhà, thằng lớn thi thoảng lại gọi điện cho chị chỉ để nói: “Mẹ ơi! Con nhớ nhà! Con nhớ mẹ lắm! Con thèm ăn cơm mẹ nấu”. Chỉ cần nghe nó nói mấy câu thế thôi mà chị mỉm cười, nước mắt cứ trào ra. Chị không nghi ngờ tình cảm của nó bởi thằng bé nghĩ sao nói vậy. Chị chăm nó, nuôi nó từ khi nó mới bảy tuổi nên chị hiểu được tính nết của nó.
Mới hôm qua thôi, đứa con gái ôm lưng chị thủ thỉ: “Con sắp thi đại học rồi! Nhanh quá mẹ ơi! Mẹ đừng buồn nhé!”. Chị vừa tết lại mái tóc dài cho con gái vừa ngạc nhiên hỏi: “Con đi học đại học như anh con thì mẹ mừng chứ sao lại buồn?”. Rồi chị chợt hiểu ra, các con của chồng chị đã lớn, đã biết lo cho chị. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà chị hằng mong mỏi.
TRẦN THỊ LÀNH