Nuôi cá "sông trong ao" giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, thân thiện với môi trường, năng suất tăng gấp 5 lần so với nuôi theo cách truyền thống.
Nuôi cá "sông trong ao" đạt năng suất hơn 100 tấn/ha/năm, cao gấp 5 lần so với cách nuôi truyền thống
Ưu điểm vượt trội
Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Khê, xã Thái Học (Bình Giang) là một trong những người đầu tiên ở tỉnh ta áp dụng mô hình nuôi cá "sông trong ao". Gia đình ông có 10 ha trang trại, trong đó có 4 ha mặt nước nuôi chuyên canh các loại cá trắm, chép, rô phi. Mỗi năm, ông đầu tư cả trăm triệu đồng để nuôi thủy sản nhưng hiệu quả không cao. Tỷ lệ cá chết thường khoảng 20% vì thiếu ô xy do nguồn nước thường xuyên bị ô nhiễm, phải sử dụng chế phẩm xử lý nước. Hơn nữa, cuối mỗi vụ cá ông lại phải thu dọn ao nên chi phí sản xuất cũng tăng thêm.
Năm 2016, ông được nghe chuyên gia người Mỹ nói về công nghệ nuôi cá "sông trong ao". Nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm so với cách nuôi truyền thống nên ông đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây 5 bể nhỏ, mỗi bể chiếm 1/10 diện tích ao và chứa gần 300m3 nước. Ở mỗi bể ông bố trí 1 chiếc máy bơm để làm cho nước luôn lưu thông 1 chiều, tạo thành dòng sông nhỏ. Mỗi bể, ông thả hơn 3.000 con cá giống, mật độ cao gấp đôi so với nuôi cá truyền thống. Cuối năm 2017, ông bán lứa cá đầu tiên và thu được kết quả bất ngờ. Từ 5 "sông trong ao" ông thu hơn 70 tấn cá trắm, chép, rô phi, năng suất gấp 3 lần so với trước, thu lãi hơn 200triệu đồng. "Cách nuôi này hiệu quả gấp nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Nguồn nước luôn được lưu thông, cá ít dịch bệnh nên tỷ lệ chết chỉ còn 5%. Cá luôn vận động nên thịt cá dai ngon hơn, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết tới đó", ông Quang nói.
Anh Nguyễn Hữu Việt ở thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) cũng thực hiện mô hình nuôi cá "sông trong ao" từ giữa năm 2017. Trên diện tích gần 2 ha ao, anh ngăn và xây 5 bể xi măng giữa lòng ao, lắp đặt hệ thống sục khí và máy tự động hút phân thải của cá dẫn ra ngoài. Chỉ sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, mô hình đã thành công ngoài mong đợi. Với 2 "sông" đầu tiên, anh thu hơn 30 tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng. Hiện nay, 3 "sông" còn lại sắp cho thu hoạch, dự kiến mỗi "sông" thu 15 tấn cá. Anh Việt tính với cách nuôi này, mỗi năm anh thu hơn 100 tấn cá/ha. Nếu giá cá ổn định như hiện nay thì chỉ nuôi 2 lứa cá, anh thu lại vốn, sang năm thứ 2 sẽ có lãi.
"Mô hình này cho hiệu quả cao như sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất cao gấp 3 lần so với cách nuôi truyền thống. Sau thu hoạch cho phép thả con giống nuôi mới ngay mà không cần xử lý đáy ao", anh Việt cho biết. Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, mô hình này được đánh giá là gần như không có hạn chế gì. Hiện nay, một số đoàn trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, học hỏi mô hình nuôi cá "sông trong ao" của gia đình anh Việt.
Quy trình công nghệ của Israel
Nuôi cá "sông trong ao" là quy trình công nghệ của Israel. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 hộ đã áp dụng thành công mô hình này vào sản xuất. Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá chi phí xây một "sông trong ao" khoảng 100 triệu đồng, cao hơn 2-3 lần so với ao nuôi truyền thống nhưng thời gian sử dụng ao nuôi có thể lên tới hơn 20 năm. Đặc biệt, mô hình này cho phép nuôi cá với mật độ cao gấp 5 lần ao thường, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cũng cao gấp 5 lần ao thường. Nuôi cá theo cách truyền thống chi phí sản xuất khoảng 25.000đồng/kg cá, nuôi theo mô hình này chi phí giảm 2.000-3.000 đồng/kg. "Mô hình này giúp kiểm soát chất lượng nguồn nước, từ đó đưa ra được các sản phẩm sạch. Mặc dù vậy, hiện nay các hộ chủ yếu nuôi tự phát, chưa có sự hướng dẫn của ngành chức năng. Để nhân rộng mô hình nuôi cá "sông trong ao", tỉnh cần có cơ chế để hỗ trợ các hộ nuôi về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hoặc con giống", ông Tình nói.
Nuôi cá theo mô hình "sông trong ao" giúp giải quyết được khó khăn của người dân là cá chết do ô nhiễm nguồn nước, nâng cao chất lượng thịt, cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên; đồng thời giúp xóa bỏ tập quán làm ăn nhỏ lẻ, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
TRẦN HIỀN
Để nuôi cá theo quy trình công nghệ này, người nuôi phải tạo “sông trong ao”. Theo đó, tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao. Mỗi bể nhỏ nuôi cá có đáy thảm bê tông cứng, máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Thường xuyên đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Mỗi sông chỉ nuôi 1 loại cá. Cho cá ăn liên tục 3 lần/ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều, không tận dụng thức ăn thừa. Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục. |