Chỉ cần một cú nhấp chuột, nhiều hộ nuôi cá lồng dọc các tuyến sông trong tỉnh có thể dễ dàng nắm bắt thông tin về các lồng cá và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Nhờ hệ thống camera người nuôi cá có thể giám sát toàn bộ khu vực lồng bè mọi lúc mọi nơi
Tiện trăm bềCứ 5 giờ hằng ngày, từ nhà riêng ở tận trong làng, anh Nguyễn Văn Tâm, ở xã Nam Tân (Nam Sách) lại mở smartphone, truy cập vào phần mềm giám sát khu vực nuôi cá lồng. Sau một hồi di ngón tay khắp màn hình điện thoại, zoom sát mặt nước các lồng bè kiểm tra xong, anh bấm điện thoại:
- Hùng dậy đi. Kiểm tra cho cậu lồng ngoài cùng sát sông đang có mấy con cá chết. Vớt lên cho sang lồng nuôi cá trê phi. Xem mùi nước có bình thường không? Nếu nặng mùi thì rắc thuốc.
Với tay lấy chiếc điện thoại khác, anh Tâm nhắc:
- Cu kiểm tra cho chú tất cả các lồng sát sông xem có váng dầu không thì khoắng nước. Chuẩn bị cám ngô, lấy nốt các bao cỏ ra cho cá.
Hùng và Cu là công nhân, cũng là con cháu trong nhà đang làm thuê cho gia đình anh Tâm. Những ngày công việc bận, anh Tâm chỉ giám sát từ xa qua smartphone, còn 2 công nhân làm dưới sự kiểm tra, chỉ đạo của anh. Hiện gia đình anh Tâm đang duy trì trên 20 camera giám sát, trị giá khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ để kiểm tra công nhân, giám sát tàu thuyền qua lại có thể ảnh hưởng đến lồng cá, việc lắp camera còn giúp bảo vệ tài sản, an ninh trật tự khu vực nuôi cá. "Khu vực này chưa từng xảy ra mất trộm cá, song có camera giúp chủ lồng chúng tôi yên tâm hơn. Chỉ nằm trong nhà trên bờ cũng có thể giám sát toàn bộ khu vực nuôi", anh Tâm cho biết.
Giờ đây với hệ thống camera, chủ lồng bè và công nhân có thể giám sát hệ thống phao nổi, dây neo đậu, lưới che... khi có mưa bão lớn mà không nhất thiết phải ra tận nơi, đỡ vất vả hẳn trong mùa mưa bão này. |
|
Từ cuối năm 2016, anh Phùng Văn Đắp ở thôn Xuân Đức, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đầu tư khoảng 600 triệu đồng để nuôi cá lồng. Sau đó 1 tháng, gia đình anh tiếp tục bỏ ra hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống camera giám sát. Ngoài giám sát qua điện thoại, hệ thống camera còn kết nối với ti vi để dễ dàng bao quát khu vực nuôi cá. Anh Đắp cho biết nhiều khi công việc bận phải đi xa, nếu không có camera sẽ không yên tâm về công việc ở nhà. Vừa rồi, vợ chồng anh đi ra tỉnh ngoài dự đám cưới nhưng vẫn liên tục giám sát, nhắc nhở được công nhân ở nhà và chỉ đạo được cách chăm sóc từng loại cá. "Không chỉ tiện lợi cho chủ lồng bè, việc giám sát từ xa còn giúp công nhân tự giác hơn trong chăm sóc, bảo vệ các lồng cá, vì không ai muốn bị nhắc nhở", anh Tuấn, công nhân nuôi cá lồng cho gia đình anh Đắp cho biết.
Nhà nhà áp dụngHiện nay, toàn xã Nam Tân có 1.080 lồng cá của hơn 40 hộ dân nuôi phía bờ hữu sông Kinh Thầy. Hầu hết các chủ lồng bè đều đã lắp đặt camera để có thể giám sát khu vực nuôi từ xa. Trên sông Thái Bình đoạn qua huyện Cẩm Giàng cũng có hàng trăm lồng cá, chủ yếu của người dân xã Đức Chính. Theo đại diện Trạm cảnh sát đường thủy Kênh Đồng (Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh), chủ các lồng bè tại đây đều lắp đặt camera để nhắc nhở công nhân chăm sóc cá và giám sát, bảo vệ tài sản.
Anh Phùng Văn Đắp đang duy trì 18 lồng cá cỡ 6x9 m nuôi cá trắm, chép, rô phi, diêu hồng, cá lăng. Các lứa cá bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi ngày, ngoài cỏ, thân cây ngô, rau thì tiền cám cũng mất từ 2-3 triệu đồng. Theo anh Đắp, mỗi hộ nuôi cá lồng đều phải đầu tư hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng vào các lồng nuôi nên không thể chủ quan được. Hiện nay, nhà nhà nuôi cá lồng bảo nhau đầu tư lắp đặt camera. Thiết bị giám sát này đã trở thành thứ không thể thiếu đối với hầu hết các gia đình nuôi cá lồng. Anh Quân, một công nhân làm cho gia đình anh Đắp cho biết: "Trước đây tôi đã làm cho nhiều chủ lồng bè. Có những khi ban đêm mưa to gió lớn, công nhân hoặc chủ lồng vẫn phải đội mưa soi đèn pin ra kiểm tra từng lồng cá, dây neo, rất vất vả và nguy hiểm. Giờ đây với hệ thống camera, chủ lồng bè và công nhân có thể giám sát hệ thống phao nổi, dây neo đậu, lưới che... khi có mưa bão lớn mà không nhất thiết phải ra tận nơi, đỡ vất vả hẳn trong mùa mưa bão này".
Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 lồng nuôi cá của khoảng 200 hộ dân, chủ yếu trên các sông Luộc, Kinh Thầy, Kinh Môn và sông Thái Bình. Hầu hết các hộ nuôi đều lắp đặt camera giám sát, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, theo anh Tâm, anh Đắp cũng như một số chủ lồng bè khác, hiện nay khu vực nuôi cá đều cách xa khu dân cư. Do đó, để lắp đặt thiết bị kết nối internet rất khó khăn. Dùng thiết bị phát wifi thì tín hiệu không ổn định. "Chúng tôi chỉ mong được ngành chức năng tạo điều kiện để có thể kết nối internet thuận lợi. Khi đó, người dân sẽ yên tâm sản xuất, hiệu quả mang lại cũng cao hơn", anh Đắp bày tỏ.
TIẾN HUY