Với kết quả bầu cử vòng 1, nước Pháp sẽ tiếp tục chờ đợi những diễn biến bất tại cuộc quyết đấu vòng 2 vào ngày 6-5 tới.
>>Ứng viên François Hollande dẫn đầu vòng 1 bầu cử
Ông François Hollande đang có đôi chút lợi thế trước cuộc bầu cử
Tổng thống vòng 2 vào ngày 6-5 tới
Sáng 23-4 (giờ Việt Nam), Bộ Nội vụ Pháp đã công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1. Theo đó, ứng cử viên của Đảng cánh tả Xã hội (PS) Francois Hollande (Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ) dẫn đầu với khoảng cách sít sao so với ứng viên Đảng cánh hữu cầm quyền Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) - đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy (Ni-cô-lai Xác-cô-di). Điều bất ngờ lớn nhất tại cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 với việc trỗi dậy mạnh mẽ của ứng cử viên cực hữu - bà Marine Le Pen (Ma-ran Lê Pen). Điều này cho thấy, nước Pháp đang thực sự chia rẽ và lưỡng lự sau cuộc bầu cử vòng 1.
Cánh hữu thất bại ngay tại thành trì chínhTheo thông báo chính thức của Bộ Nội vụ Pháp sau khi hơn 99% số phiếu được kiểm, ứng cử viên Francois Hollande dẫn đầu với 28,6% số phiếu, nhỉnh hơn 1,5% so với Tổng thống Nicolas Sarkozy (27,1%). Về thứ ba là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen với 18%; ứng cử viên cực tả Jean Luc Melenchon (Din Lúc Mê-len-côn) được 11,1% và về thứ 5 là ứng cử viên trung dung Francois Bayrou (Phrăng-xoa Bây-ru) với 9,1%.
Bị dẫn đầu sít sao bởi ứng cử viên Francois Hollande, Tổng thống Nicolas Sarkozy không chỉ trở thành vị Tổng thống đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ 5 về thứ hai trong vòng 1 cuộc bầu cử. Mà một điều chưa từng có trong lịch sử bầu cử Tổng thống ở Pháp là một ứng cử viên cánh tả Francois Hollande có tỷ lệ ủng hộ cao hơn ngay tại thủ đô Paris - nơi tập trung nhiều người giàu và được coi là một thành trì của cánh hữu.
Còn nhiều bất ngờ phía trướcKết quả vòng một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp với thắng thế nghiêng về ứng cử viên François Hollande của Đảng Xã hội đã khiến dư luận Mỹ và một số nước châu Âu đặc biệt quan tâm và coi đây là sự trở lại của lực lượng cánh tả ở châu Âu.
Mạng tin GPS của kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 23-4 đưa tin, việc ông François Hollande, ứng cử viên cánh tả có thể đánh bại một đương kim tổng thống trung hữu để trở thành Tổng thống Pháp, báo hiệu một chiều hướng thay đổi chính trị tại châu Âu, nơi đang bị chia rẽ do cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro. GPS còn cho rằng, việc ông François Hollande giành chiến thắng sẽ không phải là kết quả cuối cùng của lực lượng xã hội cánh tả châu Âu. Nếu thắng cử trong vòng bỏ phiếu thứ hai ngày 6-5 tới, ông François Hollande, 57 tuổi, sẽ là tổng thống cánh tả đầu tiên của Pháp kể từ năm 1995.
Báo chí châu Âu ra cùng ngày, trong đó có nhiều tờ báo lớn của Italy (I-ta-li-a), Anh, Bỉ, Đức... cho rằng, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ phải nỗ lực rất lớn trong vòng 2 bầu cử Tổng thống sau khi đối thủ Hollande đã vươn lên dẫn trước trong vòng 1. Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Đức Sigmar Gabriel cũng đưa ra tuyên bố dự đoán ông Hollande có nhiều khả năng trở thành Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới và đó là một "dấu hiệu quan trọng" đối với Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong bối cảnh EU hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế và xã hội do chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung.
Trong khi đó, cuộc thăm dò do Viện Thăm dò Ipsos thực hiện cho đài châu Âu 1 cũng như các cuộc thăm dò của tuần báo Paris Match và nhật báo thế giới của Pháp tiến hành ngay sau khi cuộc bỏ phiếu vòng 1 kết thúc cho thấy, ông François Hollande sẽ đánh bại Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy trong vòng 2 với tỷ lệ 54%-46%.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với số phiếu cao bất ngờ của bà Marine Le Pen và việc ông Melenchon không cao như dự đoán sẽ thay đổi rất nhiều chiến lược của hai ông Hollande và Sarkozy trong những ngày tới. Việc có tới gần 1/5 cử tri Pháp (khoảng gần 9 triệu người) ủng hộ một đảng cực hữu cho thấy cử tri Pháp còn rất nhiều điều bất mãn, ngoài chuyện tăng trưởng kinh tế và việc làm, và chưa ưng ý với cả ông Hollande lẫn ông Sarkozy. Bà Marine Le Pen giờ đây sẽ là nhân tố cực kỳ quan trọng có thể ảnh hưởng đến kết quả vòng 2, cụ thể là nếu bà ủng hộ ông Sarkozy thì ông Hollande sẽ gặp nhiều khó khăn, và ngược lại.
Từ đầu chiến dịch tranh cử đến nay, bà Marine Le Pen luôn lên tiếng chỉ trích ông Sarkozy nhưng sau khi kết thúc vòng 1, bà Le Pen vẫn chưa lên tiếng và tuyên bố sẽ đợi đến ngày 1-5 tới mới bày tỏ chính kiến. Điều này khác hẳn với ông Melenchon, người ngay lập tức kêu gọi các cử tri của mình ủng hộ vô điều kiện ông Francois Hollande. Thêm một yếu tố nữa, đó là ngay cả ông Francois Bayrou của Đảng Trung dung, người giành được 9,1% số phiếu bầu cũng chưa tuyên bố ủng hộ ai mà mới tuyên bố nước đôi là “sẽ nói chuyện với cả ông Hollande lẫn ông Sarkozy rồi mới quyết định”. Có thể hiểu là ông Bayrou đang chơi bài mặc cả và cả ông Sarkozy lẫn ông Hollande đều buộc phải tính đến nhân vật này.
Rõ ràng, việc ứng viên Francois Hollande dẫn điểm sít sao trước ứng viên Nicolas Sarkozy ở vòng 1 chưa bảo đảm chắc chắn cho một chiến thắng của ông này ở vòng 2. Vì thế, nước Pháp sẽ tiếp tục chờ đợi những diễn biến bất tại cuộc quyết đấu vòng 2 vào ngày 6-5 tới.
PHƯƠNG LINH (tổng hợp)