Vượt qua gian nan, bằng nỗ lực phi thường, nhiều vận động viên khuyết tật đã mang vinh quang về cho thể thao Hải Dương và quốc gia.
Thành tích đáng khâm phục
Chúng tôi gặp vận động viên (VĐV) Bùi Quý Thư (sinh năm 1978, ở thị trấn Gia Lộc) gần nửa tháng sau khi anh trở về từ đấu trường ASEAN Para Games 8 năm 2015. Khi được hỏi về thời gian thi đấu ở đây, khuôn mặt anh rạng rỡ, phấn chấn hẳn lên. Ở đấu trường này, tuy chỉ được 2 huy chương bạc (HCB) nhưng anh vẫn tạo được ấn mạnh đối với người yêu bóng bàn Việt Nam, bởi anh đã lần lượt đánh gục các tay vợt xếp hạng 3 (người Malaysia) và hạng 6 (người Indonesia) thế giới trong trận bán kết và tứ kết ở hạng thương tật 10.
Vận động viên Phạm Anh Tú (phải) giành 3 huy chương vàng, phá 1 kỷ lục tại ASEAN Para Games 8
Những thành tích ở đấu trường ASEAN Para Games 8 giúp cho bộ sưu tập huy chương của Bùi Quý Thư thêm dầy dặn. Từ năm 2010 đến nay, VĐV này đã giành được nhiều huy chương vàng (HCV) ở giải thể thao người khuyết tật (NKT) toàn quốc, ASEAN Para Games và giải quốc tế mở rộng. Hiện nay, anh là tay vợt số 1 của Việt Nam hạng thương tật 10.
ASEAN Para Games 8 cũng là một sự kiện để đời đối với VĐV bơi lội Phạm Anh Tú (sinh năm 1990, ở xã An Thanh, Tứ Kỳ). Anh giành được 3 HCV ở các nội dung 50 m, 100 m, 400 m bơi tự do và phá kỷ lục ASEAN Para Games được duy trì nhiều năm của cự ly 400 m, với thành tích 5 phút 37 giây (kỷ lục cũ là 5 phút 48 giây) và 1 huy chương đồng. Trước khi vào giải, anh Tú không nghĩ mình sẽ giành được huy chương chứ không nói là mơ đến HCV. Kết thúc các nội dung thi đấu, nhận được thông báo kết quả, anh không tin vào tai mình, cứ nghĩ là ban tổ chức đọc nhầm. Trước đó, từ năm 2007 đến nay, tại giải thể thao NKT toàn quốc, năm nào anh Tú cũng giành được 3 HCV. Hiện nay, anh không có đối thủ ở giải trong nước về các cự ly bơi tự do.
Vượt qua thử tháchĐể có được những tấm huy chương, thời gian qua, những VĐV NKT phải đổ bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Điểm chung ở họ là niềm đam mê thể thao, khát vọng mạnh mẽ, tính kiên trì, nhẫn nại, ý chí bền bỉ, nghị lực phi thường để vượt lên thử thách của cuộc sống.
Hiện nay, vận động viên Bùi Quý Thư là tay vợt số 1 Việt Nam ở hạng thương tật 10
Đến nay, dù nhiều năm trôi qua, VĐV Bùi Quý Thư không thể nào quên những gian khổ của thời gian đầu trở lại với bóng bàn. Năm 2006, sau tai nạn giao thông, cánh tay trái của anh bị tàn phế, chỉ còn ít cảm giác. Tưởng anh sẽ phải gác vợt luôn và chẳng bao giờ anh ngó ngàng tới bóng bàn (trước đây bóng bàn là môn thể thao yêu thích của anh). Nhưng năm 2009, được bạn bè động viên, anh quay lại tập. Lần đầu tiên lên dự tuyển vào đội tuyển bóng bàn NKT quốc gia có lẽ là kỷ niệm nhớ đời với anh. Anh Thư chia sẻ: "Trên đường về, tôi cảm thấy tủi hổ vì mình chỉ bị hỏng một tay, trẻ khỏe lại thua những người ngồi trên xe lăn, thể lực kém và lớn tuổi hơn rất nhiều". Từ đó, anh lao vào tập luyện. Mỗi ngày, anh tập liên tục 3 giờ. Chỉ có một động tác cầm bóng đập xuống nền, sau đó tâng bóng trên mặt vợt và giữ cho nó nằm im để phát mà anh phải mất 2 tháng ròng rã tập ngày tập đêm. Suốt 2 năm miệt mài khổ luyện, anh mới bắt đầu đi thi đấu giải và đánh giao lưu ở trong và ngoài tỉnh.
Để không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm, hằng năm, anh Thư bỏ ra hàng trăm triệu đồng tham gia các giải quốc tế mở rộng. "Các đối thủ xếp hạng 3, hạng 6 thế giới tại ASEAN Para Games 8 đều đánh tay trái. Để đánh gục được họ, gần 3 tháng trời tập huấn ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã nhờ người tìm hộ một huấn luyện viên thuận tay trái và sắm loại vợt giống như các đối thủ này thường dùng để tập. Tôi tập trung vào các cách xử lý đường bóng và khắc chế sở trường, khai thác sở đoản của họ. Do đó, khi vào trận gặp đối thủ, tôi đã vượt qua", anh Thư bộc bạch. Đặc biệt, trong trận bán kết tại ASEAN Para Games 8, tưởng chiến thắng đã tuột khỏi tay nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã giành huy chương. 2 séc đầu, anh dễ dàng thắng đối thủ. Séc thứ 3, khi đang bị dẫn 2 - 5, trong một tình huống lao ra cứu bóng, anh trượt chân nên phải chống cánh tay bị liệt xuống sàn và bị gẫy. Anh xin trọng tài nghỉ 15 phút để băng bó tay và tiếp tục trở lại thi đấu. Sau đó, Bùi Quý Thư đã lội ngược dòng thành công ở séc thứ 3 và giành thắng lợi chung cuộc với tỷ số 3-0.
Mỗi lần nhắc đến thời gian tham gia vào đội bơi NKT của tỉnh, anh Tú đều không khỏi xúc động. Đó là năm 2007. "Những ngày đầu học bơi đối với tôi như một cực hình do sức khỏe yếu, lại thiếu tự tin", anh Tú nhớ lại. Trước khi xuống bể tập bơi, anh phải tập nâng cao thể lực bằng các bài tập chạy, tập tạ, tập với dây chun, rồi bám vào vai huấn luyện viên để tập chạy. Sau này đã quen, huấn luyện viên đi xe đạp, anh bám vào tay chạy theo. Nhưng vất vả nhất là tập bơi. "Lần đầu tiên xuống bể bơi, tôi rất sợ, phải lần từng bước. Chúng tôi phải lần xem tay huấn luyện viên thực hiện những động tác kỹ thuật nào để bắt chước. Lúc bơi, do không nhìn thấy đường bơi và đích, tôi liên tục bơi chệch và lao vào thành bể. Có lần lao mạnh, tôi bị bươu đầu, choáng váng, còn tay thường xuyên bị xước do chạm vào đường phao".
Để có được thành tích cao tại ASEAN Para Games vừa qua, anh Tú phải đổ biết bao công sức. Trước thời điểm vào giải, hàng tháng trời, ngày nào anh cũng tập chạy 7 - 10 km, bơi liên tục hơn 3.000 m, đặt chỉ tiêu giảm từng phần trăm giây. Chỉ trong vài tháng, anh đã tiến bộ rõ rệt.
Những năm qua, tuy số lượng VĐV NKT của tỉnh không nhiều nhưng đều là những nhân tố xuất sắc mang về vinh quang cho thể thao quốc gia và tỉnh nhà. Nếu nhận được sự quan tâm hơn nữa của tỉnh về vật chất cũng như tinh thần, chắc chắn các VĐV NKT sẽ còn cống hiến nhiều hơn cho thể thao tỉnh nhà.
DANH TRUNG