Nước mắt đàn ông trong phòng trả kết quả hiếm muộn

01/10/2014 10:19

Ngồi sụp xuống hành lang của bệnh viện phụ sản C sau khi nhận được kết quả xét nghiệm tinh trùng, anh T thẫn thờ và tái mét mặt. Miệng không nói nên lời.

Ngồi chờ kết quả xét nghiệm tinh chất của chồng, chị K vợ anh T (quê Tiền Hải, Thái Bình) không giấu được vẻ lo lắng. Cả 2 vợ chồng không nói không rằng. Suốt cả tiếng đồng hồ, họ chỉ ngồi bần thần, hai tay đan tay vào nhau...

Gần đến giờ trả kết quả, có lẽ là quá hồi hộp và lo lắng, anh T liên tục đứng dậy đi lại để trấn an tinh thần.

Lúc này, sau khi đã tìm được người đồng cảnh, chị K mới thổ lộ cho biết, ở nhà ngoại, chị K là cả. Còn ở bên nội, anh T là con trai độc nhất, lại là cháu trai trưởng của dòng họ. Vì thế, áp lực có con càng đè nặng lên 2 vợ chồng. Thế nhưng, kết hôn đã gần 3 năm, bao nhiêu loại thuốc bổ dưỡng từ đông y đến tây y, cả 2 anh chị đều đã uống, vậy mà chị K vẫn chưa thể mang bầu.

Chị động viên anh đi khám nhưng anh bảo, chắc vợ chồng chưa có lộc con nên con chưa đến, chứ cả 2 vợ chồng cao to khỏe mạnh, không ăn chơi, cũng chẳng rượu chè, thuốc lá. Hai bên gia đình từ trước đến nay đều không làm gì thất đức, cũng chẳng có gen hiếm muộn nên không việc gì phải khám.

Thế nhưng, sự chờ đợi mỗi ngày một thêm sốt ruột, những lời độc địa, bàn ra tán vào cũng nhiều hơn. Vì thế, chị K mới giấu chồng đi khám một mình tại bệnh viện tỉnh Thải Bình. Ở đây, các bác sĩ đều kết luận khả năng sinh sản của chị là bình thường.

Vì vậy, chị càng hy vọng lời chồng nói là đúng. 2 vợ chồng cứ cố gắng chờ. Đến bây giờ, không thể chờ đợi thêm được nữa, chị mới thuyết phục chồng lên Hà Nội để khám.

Ban đầu anh chồng cứ lần khất, nhưng cuối cùng thì vẫn phải đồng ý theo vợ lên Hà Nội. Thế là sáng hôm đó, 2 vợ chồng lại lóc cóc dậy từ 3h sáng để chuẩn bị đồ đạc, rồi lái xe máy lên Hà Nội.

“Lần đầu đi khám như thế này nên anh ấy xấu hổ lắm, đi đến đâu cũng cứ sợ người ta nhìn rồi đánh giá. Lúc bác sĩ đưa cho cái lọ thủy tinh bảo đi lấy tinh chất, anh ấy còn mặt đỏ tía tai, luống ca luống cuống vì không biết phải làm thế nào. Sau em phải rỉ tai chỉ cách rồi động viên thì anh ấy mới tự tin. Nhưng bây giờ, ngồi chờ kết quả mà lo quá”- chị K tâm sự.

Vô sinh, hiếm muộn, phụ sản C, TS Lê Hoàng

Cảm giác lo lắng, hồi hộp là tâm lý chung của tất cả những cặp vợ chồng khi ngồi chờ kết quả


Ngồi cùng hàng ghế với chị K, chị Linh và chồng cùng quê Lạng Sơn cũng đứng ngồi không yên, chị Linh cho biết, “2 vợ chồng chị cũng kết hôn đã 1, 5 năm rồi mà vẫn chưa có con. Gia đình 2 bên sốt ruột cứ gọi điện giục liên hồi, nhưng chồng mình xấu hổ, sợ đi khám cái này người ta đánh giá nên không chịu đi. Bây giờ sốt ruột quá mới chịu đi khám. Khổ nỗi suốt từ hôm đầu đến viện để khám và xin tư vấn, cho đến nay, anh ấy lúc nào cũng đeo chặt cái khẩu trang, không chịu bỏ ra”.

“Trong khi đã vào đến đây thì ai chẳng giống ai, có gì mà phải xấu hổ” – vừa nói, chị vừa liếc chồng 1 cái sắc lẹm. Nhưng kệ, anh chồng vẫn ngồi cúi mặt.

Đang nói chuyện thì thấy thông báo có kết quả, chị K và chị Linh đều đứng bật dậy, anh T vội vàng chạy từ phía cuối hành lang về.

Nhưng nhận kết quả xong thì trời đất như sụp đổ, chị K khóc nức nở, còn anh T cố kiềm chế để những giọt nước mắt không rơi trên khuôn mặt rầu rĩ của mình.

Thì ra, kết quả xét nghiệm cho thấy, tinh trùng của anh T quá kém (tiến tới nhanh 0%, tiến tới chậm 1%, không di động 94%) nên khả năng có con tự nhiên là không có...

Quá suy sụp, bước chân lại không đủ sức mạnh để bước đi nên sau mấy phút đứng như trời trồng, họ mới cố dìu nhau ngồi vào hàng ghế chờ để trấn an lại tinh thần.

Trong lúc đó, vợ chồng chị Linh cũng bước ra. Không biết kết quả xét nghiệm của chồng chị Linh thế nào, chỉ thấy mắt chị Linh đã đỏ hoe, còn mặt anh chồng thì trắng bệch. Cả 2 đôi đều không đủ sức mạnh để ra về, họ ngồi lại cạnh nhau, rồi khi đã trấn tĩnh lại, họ động viên nhau giữ gìn sức khỏe và tinh thần tốt để bước vào cuộc chiến lâu dài chống lại bệnh tật, kéo đứa con về với mình...

TS Lê Hoàng, Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, vấn đề vô sinh hiếm muộn hiện đang là mối quan tâm lo lắng của rất nhiều cặp vợ chồng. Trong đó, tỉ lệ vô sinh ở nam và ở nữ là ngang nhau, cùng chiếm 40%. 20 % còn lại là do cả 2 vợ chồng, hoặc không rõ nguyên nhân.

Vì thế, sau khi khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị theo một phương pháp phù hợp với loại bệnh mà bệnh nhân mắc phải. Tuy nhiên, chỉ tính riêng con số thực hiện Thụ tinh nhân tạo, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm Trung tâm hỗ trợ sinh sản đã thực hiện 3000 chu kỳ, tương đương mỗi ngày, trung bình có hơn 1 chục ca thụ tinh ống nghiệm được thực hiện tại bệnh viện. “Con số này được cho là con số lớn nhất Đông Nam Á” – TS Hoàng nói.

Về tỉ lệ thành công của các ca thụ tinh ống nghiệm, TS Hoàng cho biết, tỉ lệ thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, hay nói cách khác là phải cá thể hóa từng bệnh nhân (lứa tuổi, chất lượng cuộc sống, loại vô sinh mà người đó mắc...) Nhưng theo số liệu thống kê trung bình trong năm 2012, số ca thụ tinh ống nghiệm thành công tại bệnh viện C là 48-50% - Một con số không hề nhỏ đối với những ca khó, đã chữa trị khắp nơi nhưng không thành công.


Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt đàn ông trong phòng trả kết quả hiếm muộn