Được coi là "nóc nhà" của miền tây, núi Cấm không chỉ quy tụ hàng loạt điểm du lịch tâm linh mà còn có nhiều thắng cảnh đẹp.
Cao gần 34m, đặc tả rõ nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả, tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng trên
đỉnh núi Cấm (An Giang) đã được công nhận là tượng Phật lớn nhất châu Á
Được xem là ngọn núi cao nhất Tây Nam Bộ, núi Cấm (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) còn được biết đến với nhiều thắng cảnh mang đầy màu sắc huyền thoại.
Điểm du lịch chính tại núi Cấm mà du khách không thể bỏ qua là khu “cao nguyên núi Cấm”, một khu lòng chảo khá bằng phẳng ở độ cao khoảng 600 m tại trung tâm núi, với ba điểm đến là tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh nằm xung quanh hồ Thủy Liêm. Đây là hồ nước nhân tạo rộng lớn, vừa cung cấp nước cho người dân trên núi, vừa tạo cảnh quan phục vụ du lịch với chu vi khoảng 1 km. Một cái hồ bất chợt hiện ra giữa khung cảnh núi rừng đại ngàn, sóng gợn lăn tăn soi bóng mây trời, đàn cá đủ màu sắc tung tăng dưới làn nước trong khe... như làm tôn lên vẻ đẹp huyền ảo của núi non.
Gần chùa Vạn Linh có một con đường lên vồ Bồ Hong (đỉnh núi). Mặc dù đường khá dốc nhưng nơi đây luôn là điểm mà du khách thường không bỏ qua khi đến núi Cấm. Những người hành hương cho rằng đi núi Cấm phải lên đến đỉnh để được những điều tốt lành, trong khi khách du lịch phương xa đơn giản chỉ muốn tận hưởng cảm giác được chinh phục núi non hùng vĩ, được đứng trên “nóc nhà miền Tây”.
Chùa Vạn Linh cùng toàn thể cảnh quan xung quanh là điểm du lịch sinh thái,
văn hóa, giáo dục, lịch sử độc đáo của núi Cấm
Trên vồ Bồ Hong không biết từ khi nào đã hình thành một “phố chợ thu nhỏ” phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách từ ăn uống, ngủ nghỉ, mua sắm... Du khách lên vồ Bồ Hong thường chọn buổi chiều và ngủ qua đêm ở đây để được ngắm hoàng hôn, bình minh và thưởng thức phố núi về đêm. Trên vồ Bồ Hong vào buổi tối sẽ thấy cả đất trời đều chìm trong màu đen huyền ảo, yên ắng, gió từ dưới thốc lên từng cơn lạnh buốt. Đồng bằng lúc này chỉ còn là những đốm sáng nhỏ li ti từ các phố chợ.
Sáng sớm khi mặt trời chưa lên, phố núi trập trùng trong sương dày đặc, hơi lạnh tỏa ra se se thú vị. Mọi thứ xung quanh đều chìm trong sương mờ ảo, chẳng còn thấy gì. Đôi khi mây bay qua làm hé ra ánh nắng, rồi một đám mây khác lại bay đến che mất. Mặc dù trời còn rất sớm nhưng đã thấy khách hành hương có mặt ở đây không biết tự lúc nào tấp nập, huyên náo nhưng cũng rất bình dị, gần gũi.
Ngoài những di tích và thắng cảnh kể trên, suối Thanh Long là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua của những du khách lên núi bằng đường rừng. Nước suối trong vắt và mát lạnh, chảy ầm ào suốt ngày đêm. Nước có nhiều hay ít tùy theo mùa nhưng không bao giờ khô cạn. Vào mùa mưa nước nhiều nên suối chảy rất mạnh, từ chân núi du khách có thể nghe tiếng ầm ầm vang động cả một vùng.
Suối Thanh Long là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua
của những du khách lên núi Cấm bằng đường rừng
Từ suối Thanh Long, tiếp tục đi một đoạn nữa theo đường rừng sẽ gặp ngã ba, rẽ phải lên “cao nguyên núi Cấm”, rẽ trái sẽ sang điện Rau Tần. Đây là nơi xuất phát phái Võ Lâm Thất Sơn lừng danh đầu thế kỷ 20. Trên núi Cấm có nhiều vồ (chỏm cao), trong đó có năm vồ cao và đẹp tiêu biểu gồm vồ Bồ Hong, vồ Bà, vồ Ông Bướm, vồ Thiên Tuế (nơi chúa Nguyễn Ánh từng trú ngụ) và vồ Đầu. Dưới chân núi Cấm còn có khu du lịch Lâm Viên rộng khoảng 100 ha, có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí, ẩm thực rất phong phú.
Khí hậu núi Cấm rất mát mẻ, trong lành, nhiệt độ trung bình 24 độ C. Có khi sương trắng phủ đầy núi, mây bay la đà trước mặt người. Do đó đến núi Cấm không chỉ đơn thuần là du lịch, hành hương, ngoạn cảnh mà còn để nghỉ mát.
MINH HẰNG