Nữ trưởng thôn "miệng nói tay làm"

12/07/2012 14:19

Đó là Nguyễn Thị Hường, 52 tuổi, Trưởng thôn Vang Phan, xã Tuấn Hưng (Kim Thành).



Chị Hường bên con đường ra nghĩa trang của thôn đã được đổ bê - tông rộng rãi


Nhân dân thôn Vang Phan, xã Tuấn Hưng (Kim Thành) thường gọi chị là "người đàn bà thép" hay người "vác tù và hàng tổng" để nói về sự đóng góp không biết mệt mỏi của chị đối với công việc của thôn suốt hơn 2 năm qua. Đó là Nguyễn Thị Hường, 52 tuổi, Trưởng thôn Vang Phan.

Năm 1979, chị Hường xuất ngũ trở về địa phương. Từ năm 1985 đến nay, chị đã tham gia làm công tác phụ nữ, dân số của thôn. Tháng 3 - 2010, chị được nhân dân thôn Vang Phan tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Là người gắn bó với làng quê, từng chứng kiến những nỗi bức xúc của nhân dân về các vấn đề kinh tế - xã hội nên ngay sau khi "nhậm chức", chị Hường đã bắt tay ngay vào công việc. Chị kể: "Việc đầu tiên tôi làm là vận động nhân dân, con em của thôn làm ăn xa quê thành đạt đóng góp, tài trợ để làm đường bê - tông vào nghĩa trang của thôn. Tuyến đường này dài 413 m, vốn chỉ rộng 1,2 m lại là đường đất lầy lội, cỏ mọc um tùm nên mỗi khi các gia đình trong thôn có việc hiếu thì việc đưa tang gặp rất nhiều khó khăn. Tôi đã trực tiếp vận động các gia đình trong thôn góp công để mở rộng đường. Trước khi đổ bê - tông, tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo thôn đi xin gạch vỡ của một chủ doanh nghiệp là người con của thôn đang sản xuất, kinh doanh ở xã lân cận về để trải đường. Thấy chúng tôi tích cực làm đường ra nghĩa trang, nhiều hộ dân, con em của thôn làm ăn xa đã hăng hái ủng hộ. Đến cuối năm 2010, thôn đã đổ bê - tông toàn bộ tuyến đường với bề mặt rộng 2,5 m. Người dân rất phấn khởi".

Sau khi làm đường ra nghĩa trang, tiền vẫn còn dư, nhân dân thôn Vang Phan đề nghị tiếp tục làm tuyến đường cầu Đậu dài 160 m. Đây là tuyến đường "chung chiêng" giữa 2 xóm Vang và Phan nên vào năm 2004 dù thôn đã cơ bản làm xong đường bê - tông ngõ xóm nhưng đoạn đường này không ai đóng góp để làm. Với sự vận động của chị Hường, mỗi khẩu trong thôn đã đóng góp 120 nghìn đồng để làm đường. Tuyến đường cầu Đậu chẳng mấy chốc được làm xong. Nhiều người con của thôn sau một thời gian đi làm ăn xa trở về quê thấy phong trào của thôn lên cao đã "hiến kế" và sẵn sàng đứng ra tài trợ, ủng hộ Trưởng thôn Hường tiếp tục làm một số công việc khác như: tu sửa đình, chùa; kè đường để tiếp tục mở rộng tuyến trục chính của thôn ra quốc lộ 5 theo tiêu chuẩn của đường nông thôn mới. Mặc dù trước đây thôn Vang Phan đã quy hoạch một bãi chôn lấp rác với diện tích khoảng 600 m2, nhưng do không được đắp bờ cẩn thận nên rác thải đã gây ô nhiễm môi trường. Trước ý kiến đề nghị của nhân dân, chị Hường đã bàn bạc với lãnh đạo thôn thuê máy xúc đào đắp, tạo thành một bãi chôn lấp rác rộng, khắc phục ô nhiễm. Trước đây, trong việc làm đường giao thông và làm nhà văn hóa thôn, một số hộ dân vẫn còn nợ đọng tiền khá lớn, thôn đã nhiều lần đòi nhưng chưa được. Khi lên làm trưởng thôn, với uy tín của mình, chị Hường đã thu hồi cơ bản số tiền nợ đọng.

Trong quá trình làm việc, bên cạnh những thuận lợi, chị Hường không ít lần phải đối mặt với khó khăn, với sự chống đối của một vài hộ dân trong thôn. Chị Hường kể: "Lần đó, thể theo nguyện vọng của nhân dân, tôi đã cùng với lãnh đạo thôn quyết tâm thu hồi lại giếng nước của đình làng và giếng cung cấp một phần nước tưới cho 7 mẫu đất của nhân dân đang bị 2 hộ dân chiếm dụng làm ao thả cá. Trước kia thôn đã nhiều lần muốn thu hồi nhưng vấp phải sự chống đối quyết liệt  của 2 hộ này. Tôi trực tiếp tới tận nhà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục họ trả lại giếng. Sau khi nghe tôi giải thích, đã có một hộ dân trả lại giếng đình cho làng. Còn một hộ nhất định không trả. Tôi bảo nếu không trả thôn sẽ nhờ xã can thiệp nhưng hộ này vẫn không trả, thậm chí họ còn hăm dọa tôi. Tôi kiên trì thuyết phục và nhờ xã cử người vận động giúp, cuối cùng hộ này cũng trả lại giếng cho thôn. Sau lần đó, chủ hộ áy náy đến tận nhà để xin lỗi tôi vì những lời lẽ hăm dọa trước đây".

Chỉ trong hơn 2 năm làm trưởng thôn, chị Hường còn làm được nhiều việc khác như: vận động chị em phụ nữ đóng góp công tu sửa mương máng phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận động chị em áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch, đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào đồng ruộng... Công việc của nữ trưởng thôn rất bận rộn, dù vậy chị Hường vẫn tích cực cấy 7 sào ruộng. Để có thời gian làm việc thôn, nhiều hôm chị phải tranh thủ đi cấy, đi gặt từ 3 - 4 giờ sáng nên chồng chị chẳng bao giờ phàn nàn về việc vợ "vác tù và hàng tổng".

Chia sẻ về kinh nghiệm để có được thành công, chị Hường mộc mạc: "Sở dĩ nhân dân nghe theo mình là bởi mình luôn xác định đã không làm thì thôi, còn đã làm thì phải làm hết mình. Là công bộc của dân thì phải coi công việc của tập thể là trên hết. Mình ở gần dân thì phải lắng nghe nhân dân nói, từ đó thấy được những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để mà giải quyết. Đặc biệt, việc gì đã nói, đã hứa với dân thì dù khó mấy cũng phải làm bằng được. Chỉ có như vậy nhân dân mới tin mình và mình làm việc gì cũng mới được dân tin tưởng, ủng hộ".

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nữ trưởng thôn "miệng nói tay làm"