Hoàng Nguyễn Minh Khuê (19 tuổi, quê Hải Phòng) vượt qua giai đoạn bi quan vì mắc bệnh hiểm nghèo, đạt điểm văn cao nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2019-2020.
Ngày 15.1, hai tuần sau khi cùng đội tuyển trường THPT chuyên sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) tham dự kỳ thi học sinh giỏi môn văn, Khuê đi mua sắm, chuẩn bị cho Tết Canh Tý. Biết 15.1 là ngày công bố giải, Khuê tắt điện thoại, lo lắng không dám nhận kết quả.
Cho đến khi được dì thông báo, Khuê hạnh phúc khi biết mình đạt 16,5/20 điểm, cao điểm nhất trong hơn 400 thí sinh cả nước dự kỳ thi học sinh giỏi môn văn. "Em không suy nghĩ quá nhiều về giải, ôn tập với sự vô tư nhất nên rất bất ngờ với thành tích đạt được", Khuê nói.
Nguyễn Hoàng Minh Khuê. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau khi không đạt được thành tích như mong muốn trong kỳ thi toán cấp quận hồi tiếu học, lên THCS, Khuê bắt đầu tìm hiểu về Văn nhiều hơn. So với các bạn, em học chậm một tuổi. "Đầu năm lớp 7, em mắc bệnh nặng, nếu không chữa trị kịp thời sẽ không giữ được tính mạng. Bố mẹ đưa em sang Nhật chữa trước khi quá muộn", nữ sinh kể.
Quãng thời gian chữa bệnh, Khuê giữ tinh thần lạc quan, nghĩ mình "vất vả nhưng vẫn may mắn" vì nhận được sự giúp đỡ của người thân, được chăm sóc bởi dịch vụ y tế chất lượng. Nhưng lúc bệnh chuyển biến xấu, Khuê bi quan.
May mắn lúc đó em đọc bài văn của một người bạn ở Việt Nam gửi dự thi Người tốt, việc tốt. Người bạn viết về Khuê với tinh thần không chịu bỏ cuộc, kiên cường chống chọi với bệnh tật, gửi cùng một bức ảnh Khuê đang chữa bệnh. Bài văn đạt giải nhất cuộc thi với quy mô toàn quốc năm đó.
"Khi biết bạn lấy mình làm nhân vật về tinh thần chiến đấu, không bỏ cuộc, em được thêm sức mạnh, trăn trở làm thế nào để không bị tụt lại", Khuê nói.
Sau một năm chữa bệnh, Khuê quay trở lại học lớp 7 với học sinh kém một tuổi. Em nhanh chóng lấy lại phong độ học tập với hai lần đạt giải khuyến khích cuộc thi viết thư UPU. Cuối năm lớp 9, Khuê đạt giải nhất Văn cấp thành phố và được tuyển thẳng vào THPT chuyên sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Tuy nhiên, suốt hai năm lớp 10 và 11, cô gái Hải Phòng chọn cách dừng học văn chuyên sâu, chỉ học trên lớp, tập trung học tiếng Anh và tiếng Nhật để thi chứng chỉ, chuẩn bị hành trang du học Nhật Bản.
Minh Khuê trong buổi chụp kỷ yếu lớp 12. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau khoảng thời gian dài được thầy giáo thuyết phục và thấy chứng chỉ đã đạt yêu cầu với IELTS 7.0, tiếng Nhật N3, Khuê trở lại với văn học vào tháng 6/2019. Thời điểm đó, trường THPT chuyên Sư phạm thành lập đội dự tuyển với 25 học sinh để ôn luyện ba tháng, sau đó tổ chức kỳ thi cấp trường để chọn 6 bạn thi học sinh giỏi quốc gia.
Trong 6 học sinh được chọn, thành tích của Khuê tốt nhất. Tuy nhiên, tự nhận do bỏ Văn đã lâu, Khuê sợ gốc của mình không đủ vững nên không đặt mục tiêu cụ thể cho kỳ thi. Khi thấy câu nghị luận văn học của đề thi hỏi liệu Văn học có thể giúp con người vượt qua những áp lực tinh thần trong cuộc sống hiện đại, em đã cấu trúc bài viết giống như bài thi Writing task 2 của IELTS.
"Thay vì lan man viết theo dạng quy nạp, đặt câu chủ đề ở cuối đoạn văn hoặc viết nước đôi, sau khi mở bài em đã tách riêng một đoạn, khẳng định văn học hoàn toàn có khả năng giúp con người hóa giải áp lực. Sau đó, em trình bày các luận điểm và chốt lại quan điểm trước khi kết bài", Khuê kể.
Nữ sinh cho rằng cách viết này khoa học hơn, không làm người chấm bị rối vì "tìm mãi không thấy ý". Khi luyện tập, Khuê thường làm đề phân tích một câu nói hoặc nhận định, chưa được ôn đề dạng cho câu hỏi và yêu cầu đưa ra quan điểm đồng ý hay không. Khuê dùng kinh nghiệm cá nhân để bố cục bài viết. Với hai câu của đề thi, Khuê viết 11 mặt giấy.
Cô gái 19 tuổi không có phương pháp học cụ thể vì "học văn cần cảm hứng". Để bổ sung và mở rộng kiến thức, Khuê dành nhiều thời gian đọc sách chuyên môn theo lời khuyên của TS Phạm Sỹ Cường, giáo viên dạy văn của em.
"Em đọc sách rất chậm và kỹ. Mỗi khi đọc em đều ghi chép, tóm tắt ý tâm đắc. Em từng đọc quyển Lịch sử triết học và gần như tóm tắt lại cả quyển đó", Khuê kể. Nữ sinh thường đọc lại những ghi chép trong sổ khi đi xe bus hoặc rảnh rỗi. Em cũng đọc báo hàng ngày để cập nhật thông tin thời sự và lấy làm dẫn chứng thực tế trong bài văn nghị luận xã hội.
Thời gian tới, Khuê cân nhắc lựa chọn ngành sư phạm ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hoặc du học Nhật Bản. "Nếu trở thành giáo viên, em muốn được dạy học sinh giỏi giống thầy Cường, người truyền cảm hứng cho em. Nếu không có thầy, em sẽ không đạt được thành tích như hôm nay", Khuê chia sẻ.
Thầy Phạm Sỹ Cường, chủ nhiệm của Khuê từ năm lớp 10, cho biết sớm nhận ra khả năng của Khuê nên kiên trì thuyết phục trở lại với Văn học. Thầy đánh giá Khuê có tố chất không chỉ ở Văn mà bất cứ môn nào em quyết tâm học.
"Biến cố xảy ra năm lớp 7 không làm Khuê gục ngã mà chỉ khiến em kiên cường hơn, giúp trang văn của em sâu sắc hơn so với lứa tuổi. Kết quả giành được hoàn toàn xứng đáng với khả năng và nỗ lực của em", thầy Cường nói, mong muốn học trò gắn bó với Trường Đại học Sư phạm, trở thành đồng nghiệp trong tương lai.
Theo VnExpress