Xã Nguyên Giáp độn cát canh tác rau màu

16/05/2018 11:30

Xã Nguyên Giáp hiện có 110 ha đất trũng được độn cát, giá trị sản xuất đạt 250 triệu đồng/ha/năm, tăng gần 200 triệu đồng/ha/năm so với trước khi độn cát.


Nông dân Nguyên Giáp tôn cao ruộng trũng để trồng rau

Trên những chân ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả, nhiều nông dân xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đã bơm cát vào đồng, tôn ruộng lên cao từ 20-40 cm để trồng rau màu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Tôn cao ruộng trũng

Xã Nguyên Giáp hiện có khoảng 485 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 100 ha là đất bãi trũng ven sông. Từ xưa, bà con trong xã chủ yếu gieo trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu, hiệu quả kinh tế không cao.

Khoảng 10 năm trước, một vài hộ dân ở đây đã đổ cát, đất cát pha nâng nền ruộng cao thêm từ 20-40 cm để trồng các loại dưa, khoai tây và một số rau màu khác. Nhận thấy trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa, nhiều hộ khác đã làm theo. Năm 2011, xã Nguyên Giáp khuyến khích nông dân nâng cốt nền đất trũng, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 

Đến nay, xã mở rộng từ gần 90 ha đất trũng được độn cát trước đây lên 110 ha. Giá trị sản xuất được nâng lên 250 triệu đồng/ha/năm (tăng gần 200 triệu đồng/ha/năm so với trước khi độn cát).

Gia đình bà Phạm Thị Liên ở thôn An Thổ có 6 sào ruộng, trước đây chỉ cấy lúa và trồng màu vụ đông. Năm 2008, gia đình bà đầu tư hơn 30 triệu đồng bơm cát vào 3 sào ruộng trũng. Trên diện tích ruộng đã tôn cao, mỗi năm bà trồng 3 vụ dưa và 1 vụ khoai tây. Theo bà Liên, những năm trước, năng suất dưa, khoai tây cao, bán được giá nên có năm nhà bà thu lãi hơn 60 triệu đồng từ 3 sào trồng màu. Nhưng một vài năm gần đây, cũng trên diện tích đó, mỗi năm bà chỉ lãi 35-40 triệu đồng do năng suất giảm.

Nguyên Giáp là địa phương có diện tích trồng khoai tây lớn nhất huyện Tứ Kỳ. Mỗi vụ đông, xã trồng từ 80-100ha khoai tây, đạt sản lượng 1.500-2.200 tấn. Theo những nông dân ở đây, trồng khoai tây trên đất cát củ to, mịn, dễ thu hoạch hơn trồng trên đất thịt. “So với đất thịt, đất cát, đất cát pha tơi xốp, thoát nước tốt, dễ canh tác”, bà Nguyễn Thị Ngắn ở thôn An Quý cho biết.

Tiếp tục cải tạo đất

Lợi ích từ việc độn cát để trồng rau màu đã rõ, song nếu chỉ bơm độn cát mà không cải tạo đất thì hiệu quả không bền. Hiện nay, nhiều diện tích đất cát đang có dấu hiệu nghèo kiệt dinh dưỡng. Nhiều chân ruộng không còn trồng được những loại cây ưa đất giàu dinh dưỡng như dưa vàng, dưa kim cô nương. Những năm gần đây, năng suất dưa mỗi vụ giảm 20% so với trước kia.

Hiện trên cánh đồng các thôn An Thổ và An Quý chỉ còn lác đác vài ruộng cấy lúa. Hầu hết bà con đã bơm cát vào ruộng, tôn đất trũng lên để trồng rau màu. “Đất có dễ canh tác, giàu dinh dưỡng tới mấy mà cứ trồng mãi 1 loại cây cũng sẽ bị cằn, phải dãn thời gian để đất nghỉ. Nhiều nông dân trong xã đã trồng lạc, đậu tương xen canh để cải tạo đất”, ông Bùi Hữu Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nguyên Giáp nói. Theo ông Thắng, sau khi thu hoạch mỗi vụ rau, bà con phải vệ sinh luống, rải vôi, làm đất, phơi đất cẩn thận; bón phân hữu cơ, vô cơ để  đất có dinh dưỡng nuôi cây trong vụ sau. Ngoài ra, bà con nên bón lót phân chuồng, phân xanh, phân bắc... để tăng độ phì nhiêu cho đất.  

HÀ NGA

(0) Bình luận
Xã Nguyên Giáp độn cát canh tác rau màu