Vùng rau xuất khẩu ở Tân Kỳ: Cây cũ, cách làm mới

15/01/2019 18:56

Trong sản xuất vụ đông, nông dân Tân Kỳ có truyền thống trồng cây su lơ nhưng kỹ thuật trồng loại cây này của người dân chủ yếu là kinh nghiệm được cóp nhặt qua nhiều năm.

Cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp kiểm tra, đánh giá chất lượng vùng su lơ xuất khẩu của nông dân Tân Kỳ

Do đó, khi có doanh nghiệp tìm hiểu, thu mua su lơ với giá cao để xuất khẩu, sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng. Trước thực trạng này, năm 2017, được sự hỗ trợ của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, người dân Tân Kỳ đã bắt đầu tiếp cận phương thức canh tác mới nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và dần xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

Trước kia, 6 sào su lơ của gia đình ông Nguyễn Hữu Cường ở thôn Nghi Khê đều phải trông mong vào tiểu thương nên giá bán bấp bênh, lúc được, lúc mất. Vì vậy, khi có dự án trồng rau xuất khẩu, ông Cường hăng hái tham gia. Ông phấn khởi nói: “Ngày trước, tôi chỉ biết chăm sóc, thu nhập thế nào thì không nói trước được; còn bây giờ từ lúc xuống giống là tôi đã tính toán được lời lãi vì doanh nghiệp bao tiêu nên có giá sàn để đề phòng trượt giá. Do vậy, tôi yên tâm sản xuất mà không phải thấp thỏm như trước”.

Không chỉ được bảo đảm về đầu ra, các hộ trồng su lơ xuất khẩu còn được học các kỹ thuật chăm sóc cây bài bản, khoa học, phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ông Nguyễn Trọng Lê ở cùng thôn Nghi Khê chia sẻ: “Cán bộ chuyên môn hướng dẫn phương pháp trồng và chăm sóc su lơ khác hoàn toàn so với cách làm của chúng tôi trước đây. Chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với sản phẩm làm ra. Việc bón phân, phun thuốc sâu hay tưới nước đều phải đúng thời điểm, liều lượng để vừa tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao năng suất cây trồng. Mọi công đoạn sản xuất, chúng tôi đều phải ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận”.

Vùng sản xuất su lơ xuất khẩu của xã Tân Kỳ có diện tích 30 ha với 280 hộ dân tham gia. Các công ty: CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc), TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu Trần Vinh (TP Hải Dương) ký kết bao tiêu từ đầu vụ với giá thu mua cao hơn từ 15-20% giá thị trường. Vì thế, mỗi ha su lơ thu lãi gần 85triệu đồng, cao gấp 2 lần so với sản xuất đại trà. Vùng su lơ xuất khẩu không chỉ giúp nâng cao lợi nhuận kinh tế mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã. Người dân đã ý thức được giá trị của chất lượng sản phẩm chứ không chỉ quan tâm tới số lượng như trước. Nếu duy trì được mô hình này lâu dài, cây su lơ của Tân Kỳ sẽ tạo được uy tín với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cũng từ đó, thị trường tiêu thụ sẽ rộng mở hơn, người dân không còn phải đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá. "Thấy được lợi ích, nông dân sẽ tự giác áp dụng quy trình sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, chỉ trong nay mai, toàn bộ diện tích cây vụ đông hơn 100 ha của xã sẽ bảo đảm được các yêu cầu của những thị trường khó tính nhất”, ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ khẳng định.

Ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho biết: “Theo kết quả điều tra của viện, trước đây trong 1.000 cây su lơ thì chỉ chọn được 40 cây đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, còn hiện tại là 700 cây. Xuất khẩu là giải pháp để gia tăng giá trị sản xuất cho sản phẩm. Vùng rau xuất khẩu Tân Kỳ chính là mô hình điểm để các địa phương trong tỉnh học hỏi và nhân rộng. Khi đã làm chủ được chất lượng sản phẩm thì nông dân sẽ không phải tiêu thụ bị động như trước”.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Vùng rau xuất khẩu ở Tân Kỳ: Cây cũ, cách làm mới