"Vua đinh lăng" trên đất bãi

10/04/2019 08:44

Là người đi đầu trong việc trồng, phát triển cây đinh lăng tại xã An Thanh (Tứ Kỳ), ông Phạm Văn Trọng, 52 tuổi được người dân nơi đây gọi là “Vua đinh lăng" trên đất bãi.

Ông Trọng chăm sóc vườn đinh lăng của gia đình

Sau hơn 2 năm vào miền Nam phát triển kinh tế, năm 2012, ông Trọng cùng gia đình trở về quê lập nghiệp. Nhận thấy địa phương có nhiều đất bãi bỏ hoang, ông Trọng đã mua hơn 3 mẫu để cải tạo rồi trồng cây, nuôi cá. Qua tìm hiểu, ông Trọng biết đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít, phù hợp với nhiều loại đất, nhu cầu sử dụng ngày càng cao vì có tác dụng làm thuốc, trà hoặc để ngâm rượu…

Với ý nghĩ đó, ông Trọng đã mua hơn 2.000 cây giống ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định về trồng thử. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên một số cây bị úng, thối rễ rồi chết. Không nản chí, ông Trọng tìm hiểu thêm trên mạng và liên hệ với những hộ trồng đinh lăng để chia sẻ cách trồng và chăm sóc. Ông làm luống cao, tạo các mương rãnh thoát nước để tránh cây bị ngập khi trời mưa. Sau hơn 2 năm, cây đinh lăng cho thu hoạch lá, cành, giúp gia đình ông Trọng có nguồn thu khá.

Ông đã quyết định mở rộng diện tích trồng, tận dụng quỹ đất trồng xen với cây chuối. “Cây đinh lăng chỉ mất khoảng 5 tháng đầu phải chăm sóc liên tục, rồi sau đó chỉ cần 2-3 tháng mới phải chăm sóc, cắt tỉa một lần. Người trồng cần chú ý đến kỹ thuật, khoảng cách trồng để cây phát triển được thuận lợi. Cây dễ trồng song thời gian thu hoạch củ đinh lăng khá lâu, ít nhất từ 3 năm trở lên. Thông thường, gia đình tôi sẽ bán cành, lá trước còn củ bán sau”, ông Trọng cho biết.

Gia đình ông Trọng hiện có 2.500 gốc đinh lăng từ 6-7 năm. Củ đinh lăng có giá từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Ngoài củ đinh lăng, mỗi năm gia đình ông Trọng bán được hơn 1 tấn lá, cành đinh lăng, cho thu nhập vài chục triệu đồng. Nhờ bạn bè giới thiệu, chắp mối, ngoài bán cho một số thương lái, gia đình ông còn bán lá, thân, cành cho một công ty ở Thái Bình để bào chế dược liệu. Với hơn 7 mẫu đất bãi hiện nay, gia đình ông Trọng còn thu nhập từ rươi, cáy, trồng lúa, chuối...

Nhờ hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, nhiều người đã đến nhà ông Trọng học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây đinh lăng. Một số người dân địa phương đã cải tạo vườn tạp, tận dụng vườn nhà, đất bãi để trồng. Xã An Thanh đã có vài chục hộ trồng loại cây này. Nhiều người ở trong và ngoài huyện còn đến đây mua cây giống đinh lăng để trồng. “Được coi là sâm của người nghèo, loại cây dược liệu này đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho người dân. Tôi cũng chủ động giới thiệu đầu ra để giúp bà con", ông Trọng chia sẻ. 

Bằng quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, ông Trọng đã thu được những “trái ngọt” từ mô hình trồng cây đinh lăng.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
"Vua đinh lăng" trên đất bãi