Vụ đông đuối sức ở Ninh Giang

11/11/2019 18:49

Diện tích đất nông nghiệp lớn, song huyện Ninh Giang không khai thác được thế mạnh trong sản xuất vụ đông.

Những cánh đồng có diện tích lớn bị bỏ hoang

Sản xuất không hiệu quả

Thay vì gieo trồng 8 sào rau màu vụ đông như trước đây, năm nay bà Nguyễn Thị Doi ở thôn Kim Chuế, xã An Đức chỉ trồng cầm chừng 2 sào ngô. Theo bà Doi, người dân trong xã từ lâu không còn thiết tha làm vụ đông vì hiệu quả kinh tế thấp.

Tiếc ruộng nên bà Doi vẫn duy trì vụ sản xuất vụ đông, song cũng chỉ xác định “được ăn, thua chịu”, phục vụ nhu cầu của gia đình là chính chứ không nghĩ tới lãi.

“Người dân chỉ tập trung vào 2 vụ lúa còn bỏ trồng vụ đông bởi trồng rau màu chi phí cao và mất nhiều công chăm sóc. Mấy năm gần đây, hầu hết các hộ trong xã không trồng vụ đông mà tìm công việc khác cho thu nhập cao hơn”, bà Doi nói.

Bà Đào Thị Hứa ở thôn Bùi Hòa, xã Hoàng Hanh cũng không quan tâm đến vụ đông. Mấy năm nay, gieo cấy xong vụ mùa, bà Hứa bỏ ruộng hoang, đợi đến vụ lúa chiêm xuân mới gieo cấy tiếp. Để lãng phí đất canh tác, bà Hứa cũng tiếc, song không còn cách nào khác.

“Các hộ xung quanh đều không làm vụ đông nên tôi chăm sóc rất vất vả. Sâu bệnh, chuột hại đều tập trung vào ruộng nhà mình, có muốn trồng cũng không được thu. Chúng tôi cũng không biết lựa chọn cây trồng nào phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế. Không mấy nhà gắn bó với vụ này nên hầu như các khu đồng đều trơ gốc rạ”, bà Hứa thở dài.

Loay hoay tìm giải pháp

Người dân chưa xác định được cây trồng chủ lực trong sản xuất vụ đông

Hằng năm, tỉnh giao chỉ tiêu cho huyện Ninh Giang gieo trồng khoảng 1.000 ha cây vụ đông, bằng 1/6 diện tích đất canh tác của địa phương nhưng nhiều năm liền đều không đạt. Năm 2018, huyện chỉ thực hiện được hơn 600 ha, đạt 60% kế hoạch. Còn năm 2019, trong khi các huyện, thị xã, thành phố khác đang khẩn trương hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra thì tiến độ sản xuất vụ đông của Ninh Giang vẫn rất chậm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới vụ đông ở Ninh Giang đuối sức so với các địa phương khác. Điều kiện đất đai không phù hợp, chủ yếu là đất chua, không thích hợp với các loại rau màu vụ đông. Người dân không có kinh nghiệm sản xuất trong khi lại có nhiều lựa chọn để tìm công việc cho thu nhập cao hơn.

Vướng mắc lớn nhất hiện nay của huyện là diện tích trồng vụ đông thấp và chưa tìm được cây trồng thế mạnh. Chính vì vậy, huyện không khai thác được giá trị kinh tế của vụ đông như những nơi khác.

Theo ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trước thực trạng khó mở rộng diện tích và nâng cao giá trị sản xuất vụ đông, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy vụ đông và bước đầu cho hiệu quả.

Huyện hỗ trợ giá cây giống và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu nông sản, khuyến khích nông dân gắn bó với sản xuất vụ đông. Vài vụ gần đây, gieo trồng vụ đông ở một số xã trong huyện như Hưng Thái, Hồng Đức, Văn Giang, Hoàng Hanh, Tân Quang… có khởi sắc. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hướng đi để vụ đông của huyện phát triển ổn định, mang lại hiệu quả.

PV

(0) Bình luận
Vụ đông đuối sức ở Ninh Giang