Vì sao Hải Dương chưa đạt mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp?

29/12/2020 07:08

Đến năm 2020, mục tiêu toàn tỉnh có 348 HTX nông nghiệp trở lên hoạt động có hiệu quả không đạt về số lượng và cũng chỉ có hơn một nửa số HTX hoạt động đạt yêu cầu.


HTX Phú Thành HD ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới


Thực hiện Quyết định 461/QĐ-TTg ngày 27.4.2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 (gọi tắt là Đề án 461), thời gian qua, Hải Dương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu Trung ương giao song kết quả không mấy khả quan.

“Bình mới, rượu cũ”

Triển khai Đề án 461, ngày 4.6.2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1762/KH-UBND xác định mục tiêu phát triển cụ thể của HTX nông nghiệp trong tỉnh. Theo đó, đến năm 2020, Hải Dương sẽ có 348 HTX nông nghiệp trở lên hoạt động có hiệu quả, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó, tất cả các HTX đều tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và có ít nhất 37 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Thời điểm ban hành kế hoạch, tỉnh đang có 325 HTX nông nghiệp, qua rà soát mới có 167 HTX đáp ứng được yêu cầu theo Đề án 461. Vì thế để đạt được mục tiêu trên, giai đoạn 2019-2020, tỉnh phải giải thể 13 HTX yếu kém không có khả năng nâng cao hiệu quả hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của 145 HTX xếp loại trung bình, thành lập thêm 36 HTX và tạo điều kiện cho các HTX này hoạt động đạt loại khá trở lên. UBND tỉnh cũng đã đưa ra nhiều cơ chế hỗ trợ về hạ tầng, công nghệ sản xuất, xúc tiến thương mại... để khuyến khích các HTX phát triển. 

Mặc dù vậy, đến nay Hải Dương không đạt cả về số lượng lẫn chất lượng HTX so với mục tiêu đề ra. Theo số liệu thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, trong hai năm 2019-2020, cả tỉnh mới thành lập thêm được 25 HTX nông nghiệp. Toàn tỉnh mới có hơn 60 HTX liên kết và gần 20 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Những con số này không chỉ cho thấy chỉ tiêu Trung ương giao, mục tiêu tỉnh đề ra cao so với thực tế mà còn thể hiện những bất cập mà các HTX nông nghiệp trong tỉnh đang gặp phải.

Mặc dù đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 nhưng đa số các HTX nông nghiệp của tỉnh vẫn là “bình mới, rượu cũ”. Thiếu vốn, khó khăn về hạ tầng và năng lực quản lý hạn chế chính là nguyên nhân làm cho nhiều HTX loay hoay tìm hướng phát triển. Nếu chỉ thực hiện các khâu dịch vụ như làm đất, cung ứng vật tư nông nghiệp… theo kiểu truyền thống trước kia thì HTX nông nghiệp khó có thể trụ vững. Trước những đòi hỏi của nền nông nghiệp hiện đại, các HTX phải nhạy bén thì mới có thể hoạt động hiệu quả, ổn định. 

Tìm hướng phát triển phù hợp

Thực tế cho thấy HTX nông nghiệp là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm. Các HTX vẫn có thể "sống khỏe" nhờ vào vai trò là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Thông qua HTX, nông dân kết nối được với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Còn doanh nghiệp dựa vào HTX để lựa chọn vùng nguyên liệu và địa chỉ tin cậy làm nhiệm vụ thu mua. Để đạt mục tiêu HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các HTX phải chủ động tìm kiếm và kết nối chứ không thể dựa dẫm, trông chờ bên ngoài.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Văn (Cẩm Giàng) là một trong ít HTX nông nghiệp của tỉnh làm được điều trên. Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc HTX cho biết: "Nếu không mạnh dạn thay đổi thì có lẽ chúng tôi vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Vì thế HTX xác định phải lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo quyết định hình thức tổ chức sản xuất. Đến nay, HTX đã xây dựng được 18 vùng liên kết sản xuất vừa nâng cao hiệu quả kinh kế cho người dân, vừa tạo thu nhập ổn định cho các thành viên trong HTX".

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là giải pháp thúc đẩy các HTX nông nghiệp phát triển về chất. Nhưng với tiềm lực kinh tế thấp thì các HTX khó có thể tiếp cận hướng đi này. Đây là nguyên nhân dẫn đến tỉnh không đạt mục tiêu về HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các HTX phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhưng cũng chưa khuyến khích được HTX đầu tư vì cần nguồn kinh phí lớn. Mặc dù vậy, phần lớn các HTX mới thành lập đều lựa chọn đi theo hướng này đã thể hiện xu thế phát triển của HTX nông nghiệp trong thời gian tới. 

Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, những hạn chế của các HTX nông nghiệp đã tồn tại từ lâu nên không thể thay đổi một sớm một chiều mà cần phải có những bước đi tuy chậm nhưng chắc. Thời gian tới, các mục tiêu đề ra cần phù hợp với tình hình thực tế để tránh tình trạng chạy theo số lượng mà không làm thay đổi được chất lượng của nền kinh tế tập thể.

PV

(0) Bình luận
Vì sao Hải Dương chưa đạt mục tiêu phát triển HTX nông nghiệp?