​Vì sao diện tích vải Chí Linh bị thu hẹp?

07/06/2021 18:39

TP Chí Linh hiện có hơn 3.500 ha trồng vải, nhưng diện tích vải thực tế ước chỉ khoảng 2.500 ha, giảm gần 40% so với năm 2019.


Do ít được chăm sóc nên chất lượng quả vải Chí Linh chưa cao, kích cỡ, màu sắc quả chưa bắt mắt

​​​​​​​Bấp bênh

Xuất hiện nhiều trên đất Chí Linh đã hơn 30 năm, cây vải thiều trải nhiều thăng trầm, diện tích trồng đang dần bị thu hẹp. Nhiều nơi, nông dân đã chuyển từ trồng vải sang trồng na, nhãn...

Một trong những lý do được đưa ra là việc tiêu thụ vải khá bấp bênh. Sáng 2.6, ông Trần Văn Giao ở khu dân cư Tường (phường Văn An) chở 2 sọt vải tươi vừa hái đến tận khu dân cư Tiên Sơn (phường Cộng Hòa) cách gần 5 km để bán. Theo ông, đầu vụ rất ít thương lái đến mua nên muốn bán vải quả đều phải tự chở đến các điểm thu mua ven quốc lộ 37, ở các thôn Thanh Tân, Thanh Tảo (xã Lê Lợi) và khu Tiên Sơn này. Để tránh nắng nóng, người hái vải phải đeo đèn làm việc từ 3-4 giờ sáng. Mỗi người chỉ hái được khoảng 10 kg quả/ giờ.

"Giá vải không cao, mà mỗi kg phải mất đến 2.000 đồng trả công hái và chuyên chở đi bán", ông Giao cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa ở khu dân cư Tiên Sơn, một người đã có 6 mùa thu mua vải Chí Linh, giá vải quả năm nay thấp hơn năm trước. Còn ông Hoàng Văn Thắng ở thôn Đa Cốc (xã Lê Lợi) là một trong số ít hộ còn duy trì 1,5 ha chuyên canh vải, dự kiến thu hoạch hơn 10 tấn quả đã chủ động sửa lại lò sấy để làm vải khô trước khi thu hoạch vì lo ngại việc bán vải tươi không được giá.


Diện tích trồng vải theo quy trình VietGAP trên địa bàn TP Chí Linh còn hạn chế

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các diện tích vải thiều trồng trên đồi rừng Chí Linh đều phát triển theo kiểu tự nhiên. Do giá bán bếp bênh nên nhiều nông dân không chú tâm chăm sóc vải. Vải không được chăm sóc nên chất lượng giảm sút, lại ảnh hưởng đến giá cả. Vòng luẩn quẩn này khiến diện tích vải Chí Linh giảm dần. 

Cần được khẳng định

Theo ông Nguyễn Huy Thơm, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, khi thấy giá bán quả vải bấp bênh, rẻ, người dân ít để tâm đến vườn vài. Nhiều cây vải đã 20-30 tuổi, trồng ven sườn đồi nên thiếu nước và ít được chăm sóc đúng cách nên chất lượng giảm sút là điều tất nhiên...

Đồng khu 9, phường Bến Tắm từng là vùng vải đẹp nhất Chí Linh nhưng nay cũng hoang tàn. Hiện nay, phần lớn các hộ đều phó mặc cây vải cho thời tiết, không chăm sóc nên cây kém phát triển.

"Tâm lý người dân thường phát triển sản xuất theo kiểu phong trào. Trong mấy năm gần đây, nhiều diện tích vải thiều đã được chuyển sang trồng các cây ăn quả khác như nhãn, na, cam, quýt... sườn đồi dốc còn chuyển sang trồng cây keo, bạch đàn", ông Thơm cho biết thêm.


Đóng vải chuyển đi bán ở miền Trung

Là trung tâm cây vải của TP Chí Linh, xã Lê Lợi còn có tới 870 ha trồng vải, nhưng thực tế chỉ còn khoảng 400 ha. Xã Bắc An còn hơn 350 ha vải nhưng chủ yếu để tạo bóng mát nuôi gà đồi... 

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Kinh tế TP Chí Linh, trong quy hoạch phát triển cây ăn quả, cây vải thiều vẫn là một cây trồng chủ lực. Thành phố cũng có định hướng phát triển cây vải. Cụ thể là duy trì diện tích từ 2.300 đến 2.500 ha, tập trung ở xã Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm, mở rộng các vùng sản xuất theo quy trình và được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh gần 50 ha đã được cấp 6 mã vùng vải thiều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật, Mỹ, EU và Úc, thành phố sẽ tạo dựng thêm các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Năm 2021, được tỉnh hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, TP Chí Linh trích thêm ngân sách tập trung hỗ trợ trực tiếp 6 vùng vải, 4 vùng nhãn VietGAP về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, bao bì, nhẫn mác sản phẩm...


Ông Hoàng Văn Thắng ở thôn Đa Cốc tập trung sấy vải khô để tiêu thụ sau

Anh Vũ Văn Truy, cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam chia sẻ: "Từ đầu vụ, chúng tôi đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp của các địa phương để triển khai cho bà con nông dân những chương trình hướng dẫn kỹ thuật, phun trình diễn các sản phẩm thuốc bảo đảm đúng tiêu chuẩn vải xuất khẩu. Mục tiêu là đồng hành cùng nông dân trong kỹ thuật để bảo đảm tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của các thị trường xuất khẩu khó tính". 

Đầu tháng 6 này, mẫu vải quả Chí Linh được gửi đi chào hàng ở thị trường Trung Quốc. Trước đó từ đầu vụ Phòng Kinh tế thành phố đã liên hệ với các doanh nghiệp chuyên tiêu thụ và xuất khẩu hoa quả để tìm đầu ra ổn định cho quả vải như Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Bắc Giang)... Theo kết quả kiểm định của Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh), các mẫu vải Chí Linh gửi kiểm định đã bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Tuy nhiên, kết quả xúc tiến thương mại còn rất hạn chế. Mối liên hệ với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Các doanh nghiệp từng mua vải Chí Linh vụ trước để xuất khẩu nhưng hiện nay chưa có thông tin phản hồi với Phòng Kinh tế thành phố và chưa có hợp đồng cụ thể. Điều này sẽ thêm một lý do để nông dân Chí Linh càng thiếu mặn mà với cây vải.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
​Vì sao diện tích vải Chí Linh bị thu hẹp?