Vì sao dịch tả lợn châu Phi lan rộng?

14/03/2019 18:09

Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, bệnh có thể lây lan qua nhiều nguồn và do chưa có vaccine đặc trị nên người dân phải luôn chủ động trong phòng chống.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hiện việc phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn khi có rất nhiều nguồn lây bệnh.

Liên tiếp công bố dịch

Ngày 1.3, bệnh DTLCP xuất hiện tại gia đình ông Hoàng Văn Chinh, xóm Trại Mới, xã Hiến Thành (Kinh Môn). Gia đình ông Chinh đã buộc phải tiêu hủy 126 con lợn với trọng lượng gần 6,4 tấn. Đây là ổ bệnh DTLCP đầu tiên của tỉnh. Ngay sau khi DTLCP xuất hiện, huyện Kinh Môn đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhưng đến ngày 6.3, dịch tiếp tục xuất hiện tại hộ ông Vũ Văn Hùng, thôn Tư Đa, xã Minh Hòa. Chỉ vài ngày sau, dịch lại xuất hiện tại xã Hiệp Sơn và thị trấn Kinh Môn.

Xuất hiện dịch muộn hơn nhưng lại có số ổ dịch nhiều nhất tỉnh là huyện Ninh Giang. Ngày 12.3, ông Nguyễn Văn Thường, cán bộ phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: “Hôm 8.3, dịch xuất hiện đồng loạt tại xã Ninh Thành và Tân Hương. Đến ngày 12.3, đã có 13 hộ ở 4 xã Tân Hương, Ninh Thành, Nghĩa An và Văn Hội có lợn bị mắc dịch với tổng cộng 253 con lợn bị tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 11,5 tấn. Hiện một số địa phương như Đông Xuyên, Tân Phong cũng đã có lợn chết. Trung tâm đã báo Chi cục Thú y về lấy mẫu xét nghiệm và sẽ có kết quả trong thời gian tới”.

Mặc dù lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp khoanh vùng, dập dịch và áp dụng nhiều biện pháp phòng chống nhưng đến ngày 12.3, đã có 6 huyện là Kinh Môn, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành và Bình Giang xuất hiện dịch với tổng số 14 ổ DTLCP. Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại.


Lực lượng chức năng xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) rắc vôi bột ở đường đi, khu vực xung quanh trang trại chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh

Có thể lây từ nhiều nguồn

Có nhiều nguyên nhân khiến DTLCP xuất hiện và lây lan trên diện rộng. Gia đình chị Đỗ Thị Chính, xóm 6, thôn Dưỡng Thái Bắc là hộ duy nhất của xã Phúc Thành (Kim Thành) có lợn bị tiêu hủy do bị DTLCP. “Thời gian qua, gia đình tôi không mua bán lợn, cũng không đi đến những vùng có dịch. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi tôi thường đi gom thức ăn thừa của các quán ăn trong xã về nấu lại cho lợn. Đó có thể là nguyên nhân lây nhiễm virus DTLCP”.

Là hộ chăn nuôi thứ hai của xã Hiến Thành (Kinh Môn) có lợn bị nhiễm bệnh, chị Nguyễn Thị Chinh ở thôn Huyền Tụng cho biết khu chăn nuôi của gia đình chị gần khu chăn nuôi của ông Hoàng Văn Chinh ở thôn An Thủy. Chị Chinh thường lấy nước ở dưới ao để rửa chuồng trại nên đây có thể là nguyên nhân làm cho đàn lợn của gia đình chị bị lây nhiễm bởi trước đó đàn lợn của gia đình ông Chinh đã bị nhiễm bệnh và tiêu hủy...

DTLCP là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên cả lợn nhà và lợn hoang dã. Virus gây ra bệnh DTLCP có sức đề kháng cao trong môi trường. Bệnh DTLCP có thể lây lan qua nhiều con đường như thịt lợn tươi, thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm chế biến từ thịt, các phương tiện vận chuyển, nguồn nước, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi. Virus gây bệnh cũng có thể tồn tại trong nước sông, ao, hồ vì vậy người chăn nuôi không nên sử dụng nước bề mặt, nếu bắt buộc sử dụng phải xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước sạch của nhà máy. Ngoài ra, bệnh lây lan qua ve hút máu, ruồi, muỗi, các loại bọ, chim, chuột, chó, mèo... Virus dịch còn dễ lây lan qua quần áo, ủng... của công nhân, chủ trại, người vận chuyển lợn, khách tham quan... nếu đi từ vùng dịch ra mà không áp dụng các biện pháp xử lý, khử khuẩn. Tuy vậy, dịch bệnh không lây nhiễm trên người. Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức của người chăn nuôi để họ có ý thức trong phòng bệnh.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Bệnh có thể lây lan qua nhiều nguồn và do chưa có vaccine đặc trị nên người dân phải luôn chủ động trong phòng chống. Phải bảo đảm địa điểm chăn nuôi được cách ly tốt nhất; thường xuyên tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường cả trong và xung quanh khu vực chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi thực hiện đúng khuyến cáo về phòng bệnh, bảo đảm chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học thì dịch bệnh sẽ không có cơ hội xâm nhập".

Để khống chế, không để dịch lây lan ra diện rộng, hiện các huyện đều tập trung tuyên truyền về nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh và mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, không giấu dịch, bán tháo lợn, không vứt bừa bãi xác lợn bị bệnh dịch. Trong trường hợp phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho các cơ quan chức năng.

HIỀN THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao dịch tả lợn châu Phi lan rộng?