Tứ Kỳ phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao

16/06/2021 19:01

Nhiều hộ nuôi thủy sản ở huyện Tứ Kỳ đã bắt đầu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Về lâu dài, huyện đã định hướng phát triển vùng sản xuất thủy sản công nghệ cao một cách bài bản.


Cho cá ăn bằng máy tự động giúp tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động

Hiệu quả rõ rệt

Xã Tân Kỳ là một trong những địa phương có truyền thống nuôi thủy sản của huyện Tứ Kỳ. Trước đây, nông dân thường áp dụng phương thức nuôi truyền thống, chưa ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thì nay đã có sự thay đổi. Theo ông Đào Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ, xã hiện có 270 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích 173 ha. Trong đó có khoảng 40% số hộ đã dùng máy tự động cho thủy sản ăn, máy sục khí liên hoàn tự động, camera giám sát kết nối với điện thoại thông minh... vào sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Doan ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ có hơn 20 năm nuôi cá. Khoảng vài năm trở lại đây, ông đã quan tâm đến dùng một số máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Ông có 12 ao cá giống và cá thương phẩm với tổng diện tích 11 ha chủ yếu nuôi cá rô, trắm, chép. Trước đây, mỗi lượt cho cá ăn mất khoảng 2 tiếng chèo thuyền. Chưa kể việc đổ thẳng thức ăn xuống ao cá không ăn hết vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Khi sử dụng máy cho ăn tự động, ông Doan có thể điều chỉnh lượng thức ăn tùy theo nhu cầu của cá, nhờ đó tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động. Với 6 chiếc máy cho ăn tự động hiện có, ông Doan chỉ cần thuê 2 người làm thay vì 3 người như trước. Ông Doan còn lắp 15 camera giám sát kết nối với điện thoại thông minh để quản lý từ xa, giám sát hoạt động của các máy guồng, quạt nước, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường trong ao nuôi và các biểu hiện của cá để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời. Mỗi năm, ông thu từ 280-300 tấn cá, trừ chi phí lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.

Xã Tái Sơn có 119 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích gần 71 ha. Các hộ nuôi với diện tích lớn sử dụng hệ thống quạt nước, máy sục khí trong các ao nuôi làm tăng lượng oxy trong nước. Ông Tạ Hữu Tân ở thôn Thượng Sơn có 2 ha nuôi cá trắm, chép và rô phi. Theo ông Tân, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản vừa giảm sức lao động lại góp phần tăng năng suất. Nhờ hệ thống sục khí liên hoàn tự động, máy quạt nước đã bảo đảm lượng oxy cho cá, có thể nuôi cá với mật độ dày hơn. Trước đây, khi chưa đưa máy móc vào sản xuất, trung bình mỗi năm ông Tân thu khoảng 40tấn cá thì hiện nay mỗi năm thu khoảng 60 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi từ 200-300 triệu đồng.

Xây dựng liên vùng thủy sản công nghệ cao

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tứ Kỳ, đến nay, huyện có khoảng 2.000 hộ nuôi thủy sản chuyên nghiệp với tổng diện tích 1.779 ha. Việc ứng dụng công nghệ cao, đưa máy móc tự động, bán tự động vào sản xuất đã giúp giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tăng năng suất, chất lượng thủy sản. Đây cũng là hướng đi lâu dài của huyện khi triển khai Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021-2025". Theo đó, huyện Tứ Kỳ sẽ phát triển một vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao có quy mô 296 ha với 455 hộ tham gia. Xã Tái Sơn có 65 ha, 119 hộ nuôi thủy sản; xã Quang Phục 65 ha, 26 hộ nuôi; xã Tân Kỳ 166 ha, 310 hộ nuôi. Huyện lựa chọn một mô hình ứng dụng kỹ thuật thâm canh công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với diện tích 5 ha. Trong đó áp dụng công nghệ nuôi thâm canh dùng hệ thống sục khí liên hoàn tự động, sử dụng máy cho ăn tự động, thiết bị theo dõi cảm biến tự động thông minh kết nối với điện thoại, thiết bị quan trắc môi trường nước, bảo đảm tỷ lệ oxy, các thiết bị nhằm tăng lượng oxy, nâng cao năng suất, chất lượng. Có cơ chế hỗ trợ không quá 80 triệu đồng/ha kinh phí mua hệ thống máy sục khí, máy cho ăn, máy đo pH, nhiệt độ nước, chế phẩm sinh học...

Hiện nay, năng suất nuôi thủy sản của huyện đạt 15-20 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt từ 600-800 triệu đồng/ha. Nếu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, năng suất có thể đạt 35-40 tấn/ha, giá trị đạt 1,1-1,3 tỷ đồng/ha, cao hơn 1,5 lần. Huyện phấn đấu đến năm 2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng thủy sản tập trung. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện dự án là 54,3 tỷ đồng.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Tứ Kỳ phát triển nuôi thủy sản công nghệ cao