Từ "Ao cá Bác Hồ" năm xưa

17/05/2020 20:06

Hơn 40 năm trước, phong trào "Ao cá Bác Hồ" lan tỏa rộng khắp. Từ phong trào này, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển nuôi thủy sản, tạo nguồn thu nhập khá cho người dân.

"Ao cá Bác Hồ" ở đình làng Xuân Nẻo được người dân tôn tạo gìn giữ

Điểm khởi đầu

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) là một trong những địa phương phát triển mạnh phong trào "Ao cá Bác Hồ". Những nơi ao tù, nước đọng, đồng ruộng trũng được người dân, chính quyền địa phương bỏ nhiều công sức cải tạo thành những ao, hồ rộng lớn để thả cá và trang trọng gắn biển "Ao cá Bác Hồ". 

Khi ấy ông Nguyễn Thành Long ở thôn Xuân Nẻo còn là giáo viên Trường THPT Tứ Kỳ, nhà ngay sát "Ao cá Bác Hồ" nên ông nhớ rất rõ. Cả xã có 3 thôn nhưng có đến 4 "Ao cá Bác Hồ", trong đó thôn Ô Mễ 2 ao, Xuân Nẻo và Lạc Dục mỗi thôn 1 ao. Cá giống được bắt từ Trại Cá giống ở Tứ Kỳ về thả và được giao cho Đoàn Thanh niên xã trông coi, chăm sóc. "Mỗi năm tổ chức thu hoạch 1 lần nên cả người già, trẻ nhỏ đều rất háo hức. Lúc tát ao có những con cá trắm nặng đến 4 - 5 kg. Cá thu được không bán mà chia cho từng hộ dân. Chính vì vậy, lúc ấy "Ao cá Bác Hồ" được coi là kho thực phẩm thiết yếu ở vùng nông thôn. Bây giờ, cả xã chỉ còn giữ lại được 1 ao duy nhất ở đình làng Xuân Nẻo. Ao được cải tạo gắn liền với cảnh quan của đình và nhà văn hoá thôn cũng là nơi sinh hoạt văn hóa chung của cả thôn", ông Long nói.

Ngay đầu thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) vẫn còn giữ một phần "Ao cá Bác Hồ". Hiện một phần ao nằm sát trục đường chính của xã được chuyển đổi thành đất ở, phần còn lại chia cho người dân đấu thầu để nuôi cá. 

Ông Nguyễn Đình Chiến từng là người gắn bó với "Ao cá Bác Hồ" nơi đây kể: Trước đây ao rộng 2 ha nằm ngay đầu làng, bị bỏ không rất lãng phí nên khi có phong trào "Ao cá Bác Hồ" địa phương đã thu lại để thả cá. Năm 1990, xã giao cho Hội Cựu chiến binh trông nom. Nhờ có phong trào này nên ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào nuôi thủy sản của địa phương phát triển mạnh. Mặc dù năng suất cá chưa cao nhưng Cẩm Hoàng là một trong những xã đi đầu trong phong trào nuôi thủy sản của huyện. Hội Cựu chiến binh xã còn mở nhiều hội thảo đầu bờ để chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá với các xã khác.

Phát triển kinh tế

Từ phong trào "Ao cá Bác Hồ", nhiều địa phương trong tỉnh đã thấy được tiềm năng để phát triển ngành nuôi thủy sản. Hưng Đạo là một trong những xã có phong trào nuôi thủy sản mạnh với hơn 84 ha. Từ phương thức nuôi quảng canh, manh mún, đến nay nhiều hộ đã đầu tư ao nuôi cá lớn và áp dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào nuôi. Ngoài ra, các hộ còn phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước ngọt, nuôi cá giống đạt hiệu quả kinh tế cao. Cá giống của các hộ được tiêu thụ rộng khắp các tỉnh từ trong Nam ra ngoài Bắc. Đây cũng là xã duy nhất trong tỉnh mà cả 3 thôn đều có HTX thủy sản và hoạt động hiệu quả. Năm 2019, tổng thu từ nuôi thủy sản của xã đạt hơn 40,7 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hoàng cho biết: "Địa phương có tiềm năng để nuôi thủy sản. Những năm gần đây, nhiều hộ đã đầu tư nuôi với quy mô lớn, cho năng suất cao. Hiện toàn xã có hơn 160 ha nuôi thủy sản, sản lượng khoảng 1.400 tấn/năm. Những năm tới, Cẩm Hoàng tiếp tục khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao thả cá để tăng thu nhập cho người dân.

Phong trào "Ao cá Bác Hồ" là điểm khởi đầu phát triển nuôi thủy sản ở Hải Dương sau này. Hiện Hải Dương là một trong những tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Toàn tỉnh hiện có 12.180ha ao nuôi cá thịt, tăng 20 ha so với năm 2018 và gần 6.200 lồng nuôi cá trên sông, tăng 2.000 lồng.

Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết năng suất cá năm nay ước đạt 7 tấn/ha/vụ, tăng 0,5 tấn/ha so với năm trước. Nhiều hộ chuyển từ nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi nên năng suất, sản lượng tăng nhiều so với năm trước.     

​TRẦN HIỀN

Phong trào "Ao cá Bác Hồ" được Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động từ năm 1979 nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hải Hưng (cũ). Theo số liệu từ Bản tin Khoa học kỹ thuật hải sản, tính đến hết quý I.1979, Hải Hưng có nhiều điểm nuôi nhất, 326 ao với 150 ha. Ngay từ đầu, phong trào "Ao cá Bác Hồ" đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành nuôi thủy sản gắn với hiệu quả kinh tế. Nền kinh tế phát triển nhanh kéo theo nhiều thay đổi khiến phong trào này không còn phát triển rầm rộ như thời kỳ đầu. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn duy trì và tôn tạo lại những "Ao cá Bác Hồ" để lưu giữ cho thế hệ sau. Đây cũng là biểu tượng tỏ lòng kính yêu của nhân dân đối với 
Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ "Ao cá Bác Hồ" năm xưa