Triển vọng từ những giống lúa mới

01/10/2018 12:22

Những năm qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tích cực chọn tạo nhiều giống lúa mới cho năng suất và chất lượng cao.


Giống lúa thuần LTh 31 được sản xuất thử tại thị trấn Tứ Kỳ cho năng suất 65-68 tạ/ha

Năm 2017, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo giống lúa thuần LTh 31 từ tổ hợp lai HT1/1A và CUBA28. Năm 2018, giống lúa LTh 31 đã được sản xuất thử trong vụ mùa và vụ xuân trên diện tích 150 ha tại xã Đông Kỳ, thị trấn Tứ Kỳ (Tứ Kỳ), Hồng Hưng, Lê Lợi (Gia Lộc), Hiệp Lực (Ninh Giang). Kết quả cho thấy, giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa từ 105-107 ngày và vụ xuân từ 128-130 ngày), có khả năng chống đổ tốt, chống chịu tốt với các bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu. Giống LTh31 cho tỷ lệ hạt chắc đạt 90%, năng suất trung bình từ 65-68 tạ/ha. Vì đây là giống lúa thuần nên hạt gạo trong, cơm mềm, ngon, có vị đậm đà. Ngoài ra, mô hình sản xuất thử giống lúa LTh 31 tại các tỉnh khác như Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình... cũng cho kết quả tốt.

Gia đình ông Phạm Văn Luận (52 tuổi) ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) phấn khởi khi tham gia mô hình "Sản xuất thử giống lúa Gia Lộc 102" do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm triển khai trong năm 2018. Ông Luận cho biết: "Bằng kinh nghiệm trồng lúa lâu năm, tôi nhận thấy đa phần các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng dài, nếu gặp thời tiết thất thường như những năm vừa qua sẽ dễ bị sâu bệnh. Tuy nhiên, giống lúa Gia Lộc 102 có khả năng chịu rét tốt, chống chịu được các bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu. Bên cạnh đó, lúa Gia Lộc 102 còn cho chất lượng gạo tốt và năng suất khá, từ 55-65 tạ/ha. Là giống lúa thuần ngắn ngày nên Gia Lộc 102 thích hợp gieo cấy ở vụ mùa để giải phóng đất, trồng cây vụ đông sớm".

Ngoài quan tâm chọn tạo các giống lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm còn tích cực phát triển các giống lúa lai, trong đó giống lúa Gia Lộc 301 có nhiều tiềm năng. Trong vụ xuân và vụ mùa 2018, giống Gia Lộc 301 được gieo cấy tại các xã Kim Khê (Kim Thành), Thượng Quận, Hiệp Hòa (Kinh Môn), An Thanh (Tứ Kỳ) trên diện tích 50 ha ở mỗi vụ. Trong vụ xuân 2018, Gia Lộc 301 cho năng suất trung bình từ 60-65 tạ, nếu thâm canh tốt có thể đạt tới 75 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng Thiên Ưu 8 từ 5-9 tạ/ha, trừ chi phí nông dân thu lãi từ 15-17 triệu/ha. 

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để đáp ứng được nhu cầu sản xuất các giống lúa mới thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, những năm qua, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tập trung nghiên cứu, chọn lựa nhiều giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác, thổ nhưỡng của từng địa phương để mong muốn đưa vào cơ cấu giống của tỉnh như giống LTh 31, N25, Gia Lộc 102, 30... Theo đánh giá ban đầu, các giống lúa mới này đều cho năng suất và chất lượng tốt, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh, thích hợp với thâm canh. Tuy nhiên để đưa các giống mới này vào cơ cấu giống của tỉnh thì cần có thêm thời gian cho sản xuất thử, qua đó mới có thể đánh giá được sự ổn định trong canh tác.       

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng từ những giống lúa mới