Tiếp sức cho các vùng sản xuất nông nghiệp

16/06/2020 18:01

Việc đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp bằng nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khai thác được hết các lợi thế.


Vùng khai thác rươi, cáy kết hợp cấy lúa hữu cơ xã An Thanh (Tứ Kỳ) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), một số vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh sẽ được xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, nâng cao thu nhập.

Xây nhiều công trình

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như trường học, đường giao thông, trạm y tế... những năm qua, UBND tỉnh đã có những cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, UBND tỉnh trích gần 50 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ 7 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX dịch vụ nông nghiệp. Các vùng sản xuất này đều được hỗ trợ 80% kinh phí, phần còn lại là vốn đối ứng của các HTX dịch vụ nông nghiệp. 

Từ nhiều năm nay, khu bãi rộng 80 ha của xã Nhân Huệ (Chí Linh) đã trở thành vùng chuyên canh rau màu mang lại thu nhập cao cho người dân. Để sản xuất thuận lợi, một số gia đình đã đầu tư cả chục triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước tự động. Dù vậy, trong quá trình canh tác, các hộ dân vẫn gặp khó khăn về nước đầu nguồn.

Trước thực trạng đó, năm 2019 UBND TP Chí Linh đầu tư trên 5 tỷ đồng xây trạm bơm và hệ thống ống dẫn nước đến các ruộng cho người dân, nhưng mới chỉ thực hiện được trên diện tích khoảng 20 ha. Hệ thống này đã cơ bản làm xong, đang chờ kết nối với đường ống vào ruộng. Hiện vẫn còn 60 ha đất canh tác chưa được đầu tư trạm bơm và đường ống dẫn nước. Với 8 tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện tích còn lại sẽ được hoàn thiện hạ tầng trong thời gian tới. Dự kiến ở đây sẽ được xây dựng 1 trạm bơm gồm 3 tổ máy, nhà trạm, bể hút, kênh dẫn, trạm biến áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến tận ruộng.

Ông Nguyễn Văn Đán, Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: "Nếu không có nguồn hỗ trợ này chúng tôi không biết đến khi nào mới làm được nhiều hạng mục phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân”.

Với 9 tỷ đồng vốn hỗ trợ của tỉnh, xã An Thanh (Tứ Kỳ) sẽ làm 6 tuyến đường giao thông trục chính, 11 cống qua đường, kè hai bên mang cống số 7 cho vùng khai thác rươi, cáy và lúa hữu cơ. Theo Chủ tịch UBND xã An Thanh Phạm Xuân Nhuận, vùng được đầu tư hạ tầng nằm trong phía nội đồng, rộng khoảng 214 ha. Hiện nay người dân mới chỉ sử dụng để cấy lúa. Sau khi được đầu tư xây dựng hạ tầng, xã sẽ chuyển đổi thành vùng khai thác rươi, cáy kết hợp với cấy lúa hữu cơ. "Địa phương đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng cống Sồi qua đê sông Thái Bình. Khi cống được sử dụng, việc lấy nước từ sông Thái Bình vào nội đồng rất dễ dàng", ông Nhuận cho biết. 

Nâng cao giá trị sản xuất 

Là vùng sản xuất rau màu nổi tiếng của tỉnh, hằng năm bà con nông dân xã Phạm Kha (Thanh Miện) trồng từ 3-4 vụ rau/năm, chủ yếu là các loại rau gia vị như hành, tỏi, mùi, thì là... Trước đây người dân thường xuyên phải gánh nước về để tưới rau nên rất vất vả. Sau này, khi người dân dùng máy bơm nước lên ruộng tiết kiệm được một phần công sức nhưng lại tốn kém hơn. Kể từ khi có hệ thống tưới nước tự động, người trồng rau Phạm Kha đã bớt vất vả. "Hiện nay hầu hết người trẻ đi làm công ty, chỉ còn người già làm nông nghiệp. Có hệ thống nước tưới tự động, chúng tôi thấy việc làm nông nghiệp đỡ vất vả, người già cũng có thể làm được", ông Phạm Văn Thắng ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha nói. 

Xã An Thanh (Tứ Kỳ) hiện có 137 ha đất bãi cho khai thác mỗi năm khoảng 50 tấn rươi, 150 tấn cáy, ngoài ra còn có lúa hữu cơ. Tính chung giá trị sản xuất đất nông nghiệp trên địa bàn xã đạt 178 triệu đồng/ha/năm, riêng vùng đất bãi cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng/ha. Được đầu tư thêm một vùng chuyên canh khai thác rươi, cáy và cấy lúa hữu cơ, những năm tới giá trị sản xuất nông nghiệp của xã An Thanh dự kiến tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.  

Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, việc đầu tư hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khai thác được hết các lợi thế. Từ đó nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập của người dân, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của các địa phương.

THANH HÀ

Các dự án được hỗ trợ gồm xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vùng sản xuất chuyên canh rau màu tập trung xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Nhân Huệ (Chí Linh). Cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới tiêu cho vùng sản xuất rau màu tập trung thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha (Thanh Miện). Xây dựng đường ra đồng vùng sản xuất tập trung thôn Trung, thôn Mai, xã Hiệp Lực (Ninh Giang), xã Tiên Động (Tứ Kỳ). Cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng vùng thủy sản tập trung lúa hữu cơ và khai thác rươi, cáy tự nhiên xã An Thanh (Tứ Kỳ), khu Tử Lạc, phường Minh Tân (Kinh Môn).

(0) Bình luận
Tiếp sức cho các vùng sản xuất nông nghiệp