Thanh Miện: Vùng trồng lúa tập trung mang lại hiệu quả cao

19/06/2020 18:01

Những năm qua, huyện Thanh Miện đã xây dựng được nhiều vùng trồng lúa tập trung, góp phần nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh.


Trồng lúa tập trung giúp nông dân Thanh Miện chăm sóc và thu hoạch thuận lợi

Tiện chăm sóc

Vụ xuân năm nay, huyện Thanh Miện gieo cấy 6.300 ha lúa. Trong đó có 12 vùng trồng lúa tập trung với diện tích trên 30 ha, 10 vùng trên 10 ha và 13 vùng  trên 1 ha. Theo đánh giá, vụ lúa này ít sâu bệnh, tiếp tục được mùa, cho năng suất bình quân 63 tạ/ha.

Theo Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Tùng Nguyễn Hữu Phương, vụ lúa xuân năm nay, xã xây dựng được 2 vùng sản xuất lúa tập trung có diện tích 30 ha/vùng. Toàn bộ diện tích này đều cấy duy nhất giống lúa Bắc thơm kháng bạc lá. Đây là giống lúa chất lượng được thị trường ưa chuộng.

Một số hộ dân có diện tích trong vùng sản xuất lúa tập trung cho biết do gieo cùng một loại giống, cùng thời điểm gieo, chế độ chăm sóc và thu hoạch nên chất lượng lúa vụ xuân này rất tốt. Lúa phát triển nhanh, chống chịu sâu bệnh tốt, hầu như không bị nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn, đạo ôn. "Ưu điểm lớn nhất của vùng sản xuất lúa tập trung là thực hiện ba cùng: cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh. Nhờ đó, việc sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất và phòng trừ sâu bệnh dễ dàng hơn, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất", ông Phương cho biết thêm. 

Vụ xuân năm nay, xã Lam Sơn xây dựng được 3 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 93,8 ha ở các thôn Thọ Chương, Thọ Xuyên, ấp Lam Sơn. Nhờ gieo cấy đúng thời vụ nên toàn bộ diện tích lúa phát triển tốt. Việc lấy nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hầu như được thực hiện trong cùng một thời điểm nên tiết kiệm nước, giảm công chăm sóc, không có diện tích nào bị nhiễm sâu bệnh làm giảm năng suất.

Năng suất cao

Vụ xuân năm nay, huyện Thanh Miện đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất như Hương biển 3, Bắc thơm kháng bạc lá, BC15, LT2... Huyện đã xây dựng được trên 30 vùng sản xuất tập trung gieo cấy từ 1-2 giống lúa chất lượng cao. Ngoài ra, một số giống lúa năng suất như HN6, ĐQ111, Q5 cũng được huyện triển khai gieo cấy trong vùng tập trung. Một số địa phương thực hiện tốt như Chi Lăng Nam, Ngũ Hùng, Lam Sơn, Thanh Tùng. Do ít sâu bệnh, lúa phát triển tốt, trổ bông đúng thời điểm nên năm nay lúa tại các vùng tập trung tiếp tục cho năng suất cao, đạt từ 170-180 kg/sào (đối với giống lúa chất lượng) và 250-270 kg/sào (đối với giống lúa năng suất). So với các hộ trồng lúa nhỏ lẻ, năng suất của vùng tập trung cao hơn từ 20-30 kg/sào.

Ông Nguyễn Văn Đũi ở xã Lam Sơn cho biết: "Vụ xuân năm nay nhà tôi có 1,2 mẫu trong vùng sản xuất lúa tập trung. Năng suất giống lúa Bắc thơm kháng bạc lá năm nào cũng đạt từ 170-180 kg/sào. Với giá bán từ 6.500-6.800 đồng/kg thóc tươi, tôi lãi khoảng 700.000 đồng/sào. Lúa gặt đến đâu, thương lái thu mua đến đó".

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Phạm Thị Nhung, thời gian đầu thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của lúa. Huyện đã tập trung hướng dẫn, tuyên truyền cho các hộ dân tổ chức dặm tỉa, gieo cấy bổ sung, tích cực chăm sóc phòng trừ sâu bệnh nên vụ xuân năm nay tiếp tục được mùa, cho năng suất bình quân ước đạt 63 tạ/ha. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở thêm một số vùng trồng lúa tập trung và định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”, bà Nhung nói.

Bên cạnh việc tập trung thu hoạch lúa xuân, huyện Thanh Miện cũng đang chỉ đạo các địa phương đôn đốc, hướng dẫn nông dân chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ mùa 2020 với phương châm "gặt lúa xuân đến đâu, làm đất gieo cấy vụ mùa đến đó". Theo kế hoạch, vụ mùa năm nay huyện Thanh Miện sẽ gieo cấy trên 6.300 ha với nhiều giống lúa chất lượng cao đã thực hiện thành công trong vụ xuân.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Miện: Vùng trồng lúa tập trung mang lại hiệu quả cao