Tận tâm với cây vải

04/05/2021 11:30

Có các cán bộ nông nghiệp tận tâm với nghề nên những năm gần đây tình hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn huyện Thanh Hà đã thay đổi tích cực


Chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà kiểm tra dịch hại ở vùng vải sớm khu Hà Đông

8 giờ sáng, chị Phạm Thị Thơm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà tỉ mẩn bóc những quả vải non để xác định thời gian thu hoạch. Công việc tuy đơn giản nhưng lại là một trong những khâu bắt buộc và quan trọng để thông báo chính xác cho người dân thời điểm nào thì dừng phun thuốc bảo vệ thực vật. Vải sớm đang trong giai đoạn phát triển cùi, vải chính vụ đang tạo cùi. Trên bàn làm việc của chị còn 1 túi vải bị sâu vừa mới hái dưới vườn về để "bắt bệnh".

Công việc thầm lặng đó của chị Thơm và nhiều đồng nghiệp khác không mấy ai hiểu được. Khi vào vụ vải họ thường đi làm quên thời gian. Nói về chăm sóc vải, chị Thơm cho biết đó là một quá trình dài. Ngay từ khi thu hoạch vải xong, cán bộ nông nghiệp huyện đã phải đến hướng dẫn người dân tỉa cành, tạo tán, chăm sóc để cho vải ra 2 đợt lộc. Trong lúc vải ra lộc họ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh và xử lý lộc đông. Vất vả nhất là khi vải ra quả, họ thường xuyên phải thăm vườn, lấy các mẫu bệnh trên cành, lá, quả xác minh từng loại bệnh để thông báo, hướng dẫn người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật cho đúng. "Công việc này rất tỉ mỉ, cần xác minh kỹ tình hình dịch hại. Nếu dự báo sai, định hướng không chuẩn sẽ gây thiệt hại lớn cho nông dân", chị Thơm nói.

Chị Phạm Thị Dung, cán bộ dự báo bảo vệ thực vật tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà cũng không mấy khi có mặt ở phòng làm việc. Nhiều hôm đi kiểm tra về, chị Dung trằn trọc, lo lắng không ngủ được. Bởi vì cùng lúc vải có thể mắc nhiều bệnh khác nhau thì phải có thông báo cho người dân dùng thuốc thế nào để bảo đảm đúng quy trình, hiệu quả. Mỗi lần như vậy, chi phí rất tốn kém, nhiều người không dám bỏ tiền ra mua thuốc.

Cứ gần đến vụ vải, anh Phạm Đức Lộc, Trưởng Phòng Nghiệp vụ (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại tất bật hơn hẳn. Có những thời điểm anh về vùng vải cả tuần, chủ yếu để hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng", bảo đảm vệ sinh môi trường tại vườn vải, đặc biệt là những vùng vải xuất khẩu. Anh chia sẻ: "Nếu mình không sát sao có thể nông dân sẽ không tuân thủ đúng quy định. Để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức so với quy định sẽ không xuất khẩu được quả vải sang thị trường khó tính".

Vải thu hoạch đúng vào mùa nắng nóng nên các cán bộ nông nghiệp phải bố trí thời gian đi đến các vùng vải từ rất sớm. Có hôm 5 giờ sáng họ đã chia nhau ra thành từng tổ phối hợp với người dân tại vùng vải để kiểm tra tình hình sâu bệnh. Có những hôm họ ăn cơm luôn ở nhà dân rồi làm miết đến 8 giờ tối mới về, thời gian dành cho gia đình ít đi.

Thời điểm này, huyện Thanh Hà có rất nhiều tổ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân chăm sóc vải. Hầu như cán bộ nông nghiệp huyện làm việc cả tuần, thậm chí cả ngày nghỉ điều tra, ghi chép nhật ký tình hình phát triển của quả vải để tuyên truyền sản xuất, đề nghị cấp mã vùng, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết nhờ có cán bộ nông nghiệp tận tâm với nghề nên những năm gần đây tình hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn huyện đã thay đổi tích cực. Đa số người trồng vải chấp hành quy định sản xuất theo quy chuẩn, không bán vải quả xanh, không trà trộn với vải nơi khác... Nhiều năm gần đây, vải đã bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore... Thời điểm này, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức được gần 50 buổi tập huấn sản xuất vải cho người dân để cung cấp quả vải thiều Thanh Hà ra thị trường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt yêu cầu về chất lượng.

Huyện Thanh Hà hiện có 34 vùng vải xuất khẩu với tổng diện tích 400 ha, trong đó có 17 vùng với 155,2 ha đã được cấp mã số vùng trồng từ những năm trước. Theo dự báo của cán bộ chuyên môn, vải u trứng sẽ cho thu hoạch vào khoảng ngày 10.5; từ ngày 25.5 trở ra sẽ bắt đầu thu hoạch vải u hồng, u gai; từ ngày 10.6, vải thiều chính vụ bắt đầu cho thu hoạch. Thời điểm này, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân tích cực phòng trừ sâu đục hạt, sương mai, thán thư, sâu đo, bọ xít bằng các loại thuốc có trong danh mục cho phép được sử dụng.

MINH NGUYỆT 

(0) Bình luận
Tận tâm với cây vải