Sản xuất vụ đông có địa chỉ

22/09/2019 08:20

Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của nhiều địa phương trong tỉnh. Nông dân gắn bó hơn với vụ đông vì hiệu quả kinh tế.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha rau màu được bao tiêu sản phẩm

Theo đơn hàng

Từ năm 2017, gia đình bà Hoàng Thị Chiên ở thôn Lúa, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã chủ động trong vụ đông do sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Ngày trước, bà trồng rau theo thói quen, giá bán phập phù nên khó tính toán được lời lãi. Còn hiện tại, bà gieo trồng theo yêu cầu của công ty thu mua, khi thì cải bắp, lúc lại su lơ và có cam kết giá bán từ trước khi bắt tay vào sản xuất. Bà Chiên không còn lo được mùa, mất giá. Bà phấn khởi nói: “Liên kết với doanh nghiệp, chúng tôi yên tâm sản xuất hơn. Đơn vị bao tiêu cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật, nông dân chỉ cần áp dụng đúng. Những phát sinh trong sản xuất đều được doanh nghiệp hỗ trợ, chúng tôi ít phải đối mặt với rủi ro hơn so với trước đây".

Việc đặt hàng sản xuất không chỉ có lợi cho người dân mà còn giúp doanh nghiệp tự chủ nguyên liệu đầu vào. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (Cẩm Giàng), trước đây, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, công ty phải đi khắp nơi thu mua rồi chọn lọc những sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Như vậy vừa mất thời gian, công sức nhưng chưa chắc đã đủ số lượng đơn hàng. Vài năm nay, công ty đã đặt hàng nông dân sản xuất và thu được kết quả khả quan. "Chúng tôi có được hàng hóa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu còn người dân không phải canh cánh mối lo về đầu ra sản phẩm cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất khi được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, vật tư. Nông dân đã ý thức liên kết sản xuất với doanh nghiệp nên tình trạng phá vỡ hợp đồng không còn nhiều như trước", ông Cường khẳng định.

Hằng năm, tỉnh duy trì gieo trồng 21.000 ha cây vụ đông với nhiều loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu như cải bắp, su lơ, cà rốt... Đây là lợi thế lớn để nâng cao giá trị kinh tế của vụ đông. Việc liên kết sản xuất theo đơn đặt hàng chính là giải pháp để cây vụ đông tiêu thụ ổn định. UBND tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ các vùng gieo trồng vụ đông có liên kết với mức 5 triệu đồng/ha.

HTX làm cầu nối

Nông dân và doanh nghiệp đã chủ động hơn trong liên kết sản xuất vụ đông

Trong sản xuất vụ đông, thay vì liên kết trực tiếp, người dân kết nối với doanh nghiệp thông qua HTX Dịch vụ nông nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho chính mình. Cách làm này giúp cho việc bao tiêu sản phẩm trở nên bền chặt, lâu dài hơn.

3 năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Kỳ (Tứ Kỳ) đảm nhận vai trò trung gian liên kết sản xuất su lơ tại địa phương. Hiện xã có 35 ha su lơ xuất khẩu được các Công ty: CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc), TNHH một thành viên Trần Vinh (TP Hải Dương) cam kết bao tiêu. Ông Đào Văn Đoàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Doanh nghiệp cần lượng lớn nông sản đồng đều về mẫu mã, chất lượng trong khi đồng ruộng vẫn nhỏ lẻ, manh mún nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Do vậy, HTX làm nhiệm vụ quy vùng, tập hợp và giám sát nông dân sản xuất theo quy trình. HTX cũng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, vận chuyển nông sản. Khi xảy ra tranh chấp, HTX sẽ đứng ra giải quyết để bảo đảm lợi ích cho các bên. Đổi lại, HTX được chi trả một khoản chi phí.

HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Hưng (Gia Lộc) cũng làm cầu nối cho người dân và doanh nghiệp từ nhiều năm nay. Nông dân Hồng Hưng có kinh nghiệm sản xuất ngô giống nên được đơn vị nghiên cứu giống cây trồng lựa chọn làm nơi nhân các giống ngô. Đơn vị đó không đặt hàng trực tiếp với người dân mà thông qua HTX để tăng độ tin cậy. Theo ông Lê Xuân Minh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã, doanh nghiệp không thể sâu sát bằng HTX trong các khâu kiểm soát và quản lý sản xuất. HTX giúp doanh nghiệp nhận, cấp phát giống, kiểm tra tiến độ gieo trồng và thu mua theo đúng cam kết. Các công đoạn đều được HTX phối hợp nhịp nhàng với người dân và doanh nghiệp nên hạn chế xảy ra mâu thuẫn. Ngược lại, các bên đều nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, vì thế mối liên kết không còn lỏng lẻo như trước.

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hải Dương là địa phương đi đầu trong sản xuất vụ đông của miền Bắc với năng suất, sản lượng lớn. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ, sở luôn khuyến khích các địa phương chủ động liên kết sản xuất. Nhiều nơi đã có cách làm hay giúp giảm áp lực về đầu ra. Mặc dù lượng bao tiêu chưa nhiều so với diện tích thực tế nhưng các mô hình tốt sẽ được nhân rộng để phù hợp với xu thế phát triển chung.     

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 21.000 ha rau màu, bao gồm 6.000 ha hành, tỏi; hơn 4.000 ha cải bắp, su hào, su lơ; 1.200 ha cà rốt; còn lại là cây trồng khác. Giá trị sản xuất cây vụ đông đạt từ 132-135 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có khoảng 2.000 ha rau màu được bao tiêu sản phẩm.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sản xuất vụ đông có địa chỉ