Nan giải chăm sóc vải

12/07/2020 17:07

Vụ vải năm nay tiêu thụ thuận lợi nhưng chất lượng quả vải Hải Dương lại không được đánh giá cao một phần nguyên nhân do nông dân chưa chú tâm đến "sức khỏe" của cây vải sau mỗi vụ thu hoạch.

Người dân cần quan tâm tới việc chăm sóc cây vải để nâng cao chất lượng quả cho vụ sau

Vụ vải năm nay thuận lợi về đầu ra nhưng so với mọi năm, chất lượng quả vải kém hơn, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài những tác động xấu bởi thời tiết thì không ít người trồng vải vẫn chưa quan tâm đến khâu chăm sóc cho cây vải sau thu hoạch.

Làm theo thói quen

Sau mỗi vụ thu hoạch vải, gia đình anh Lê Văn Tuấn ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) lại tất bật tỉa cành, tạo tán và bón thúc cho cây. Theo anh Tuấn, đây là công đoạn quan trọng không kém việc chăm sóc quả nhưng anh mới chỉ biết được điều này vài năm gần đây. Đa số người trồng vải thường cho rằng phải mất nhiều công sức để chăm cây lớn nên không đốn tỉa. Đã có thời điểm cây vải thất thế, nhiều hộ chặt bỏ rồi chuyển sang trồng cây khác. Mấy năm gần đây, cây vải dần lấy lại vị thế, người trồng mới chú tâm tới việc chăm sóc nhưng không phải ai cũng làm đúng kỹ thuật.

Gắn bó và chứng kiến những thăng trầm của cây vải qua nhiều năm, ông Nguyễn Văn Nhân ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) cho biết: "Vải là cây đặc sản song đa số người dân vẫn phó mặc cho thời tiết. Ngoại trừ các hộ ở trong vùng vải xuất khẩu tuân thủ đúng quy trình chăm sóc thì những hộ khác vẫn làm theo thói quen". Vụ vải thiều năm nay, cây cho quả không đều, quả bị rám nắng nhiều. Theo ông Nhân, ngoài ảnh hưởng của thời tiết còn do người dân chưa thực hiện đúng quy trình chăm sóc.

Từ khi cây vải được quy vùng xuất khẩu, ông Đỗ Gia Mừng ở thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) chủ động tiếp nhận kỹ thuật thâm canh mới từ cơ quan chuyên môn. So sánh với phương thức cũ được nông dân áp dụng nhiều năm, ông nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt. Thông thường, người trồng vải chỉ tập trung chăm bón trong thời kỳ cây ra hoa, đậu quả, còn thời gian sau thu hoạch lại bỏ bê. Mặt khác, người dân thường chú trọng chữa bệnh hơn phòng bệnh, chỉ khi cây phát sinh bệnh hại mới xử lý bằng biện pháp hóa học. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng quả mà còn làm giảm tuổi thọ của cây.

Chăm sóc vải sau thu hoạch giúp cây nhanh phục hồi, cho vụ quả sau tốt hơn. Mặc dù vậy, thực tế sản xuất hiện nay cho thấy người dân vẫn chưa chú trọng tới công đoạn này, không làm theo kỹ thuật.

Mặc dù năm nay quả vải Hải Dương được tiêu thụ thuận lợi nhưng chất lượng chưa tốt do người dân chưa chú trọng chăm sóc cây sau thu hoạch

Đồng bộ quy trình sản xuất

Vừa là cây trồng chủ lực, vừa là cây đặc sản nên những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn quyết liệt chỉ đạo sản xuất vải theo quy trình đồng bộ. Theo khuyến cáo của ngành này, nông dân cần khẩn trương đốn tỉa cây và bón thúc ngay sau khi thu hoạch để cây ra lộc đúng thời điểm, tạo điều kiện tốt nhất cho việc ra hoa, đậu quả. Kỹ thuật chăm sóc cũng phụ thuộc vào tuổi thọ cây, sản lượng quả vụ trước và điều kiện canh tác của từng vùng. Khác với tư duy tồn tại từ lâu của người dân là việc đốn tỉa sâu sẽ làm cho cây chậm phát triển, không kịp ra hoa vụ sau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích người trồng vải hạ thấp độ cao của tán để thuận tiện chăm sóc và thu hoạch. Việc bón thúc cũng phải căn cứ tình hình sinh trưởng của từng cây để đưa ra định lượng phân bón hợp lý. Có như vậy mới tạo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển, bảo đảm năng suất cho vụ quả sau. Sở cũng giao Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình điểm về các kỹ thuật đốn tỉa, bón thúc và xử lý lộc đông để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Nhiều năm thu mua vải để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) nhận xét chất lượng vải quả của tỉnh ngày càng được nâng cao nhưng nhiều khi vẫn thua thiệt về giá so với vải trồng ở nơi khác, nhất là vải Bắc Giang. Chỉ có vải được sản xuất dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn mới bảo đảm yêu cầu, nhất là thị trường xuất khẩu. Những diện tích còn lại, người dân vẫn chủ yếu làm theo kinh nghiệm nên chất lượng, mẫu mã không đồng đều. Nếu có thể áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất thì quả vải của Hải Dương sẽ có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Để hạn chế tối đa những bất lợi của thời tiết tác động lên chất lượng và sản lượng vải quả của tỉnh, giải pháp trọng tâm chính là canh tác bền vững. Nông dân cần quan tâm tới các kỹ thuật chăm sóc an toàn sinh học. Dù không cho hiệu quả tức thì như các biện pháp hóa học nhưng sẽ giúp người dân khai thác giá trị của cây vải lâu dài, ổn định.

DŨNG CƯỜNG

Toàn tỉnh có 9.658 ha vải, trong đó huyện Thanh Hà gần 4.000 ha, TP Chí Linh gần 5.000 ha, còn lại ở các huyện Kim Thành, Ninh Giang, Kinh Môn... Tổng sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 đạt 43.000 tấn, tăng 18.500 tấn so với năm 2019. Để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho vụ vải sau, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân khẩn trương đốn tỉa vải sau thu hoạch, xong trước ngày 10.7. Từ ngày 10.7 bắt đầu bón thúc lộc cho cây, giúp cây nhanh phục hồi, ra lộc đúng thời điểm, hạn chế hiện tượng ra quả cách năm. Bón thúc từ 2-3 đợt/năm, mỗi đợt cách 1 tháng và đợt cuối xong trước ngày 30.10.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải chăm sóc vải