Mô hình thâm canh lúa - rươi mang lại hiệu quả cao

20/05/2019 07:23

Sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ tại vùng nuôi rươi không chỉ cho năng suất lúa cao mà còn tạo môi trường thuận lợi cho rươi phát triển.


Giống lúa J02 được trồng ở vùng rươi thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) đạt năng suất cao

Năng suất lúa cao

Trước đây, người dân các xã An Thanh, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà) thường cấy các giống lúa như Khang dân, Thiên ưu, Tám xoan… tại các vùng nuôi rươi. Nhưng đây là các giống chống chịu sâu bệnh kém, khó thích nghi trong môi trường nước lợ nên năng suất thấp, chỉ đạt từ 40-60 kg/sào.

Năm 2018 - 2019, Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới thực hiện đề tài “Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất lúa theo phương thức hữu cơ trên một số vùng nuôi rươi tại Hải Dương”. Sau 1 vụ triển khai đề tài ở 3 xã trên cho thấy năng suất lúa ở các vùng rươi đã được nâng lên đáng kể.

80 hộ dân tham gia đề tài cấy các giống lúa J02 và Bắc hương 9 trên tổng diện tích 100 ha. Các hộ dân được cán bộ Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) hướng dẫn quy trình canh tác. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ xử lý phân hữu cơ từ nguồn chất thải chăn nuôi để sản xuất lúa.

"Tháng 12.2018, mạ được gieo trên nền đất cứng, sau 1 tháng đưa ra cấy theo phương thức truyền thống. Lúa được bón phân hữu cơ ủ mục đã qua xử lý bằng chế phẩm Fito-Biomix RR với liều lượng 9 tấn/ha. Để lúa phát triển tốt và đồng đều, chúng tôi đã hướng dẫn bà con theo dõi thường xuyên chế độ nước, đặc biệt là nước lợ; làm cỏ bằng tay và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trong toàn bộ quá trình canh tác”, ông Phạm Văn Tuân, Chủ nhiệm đề tài cho biết.

Sau 1 năm thực hiện đề tài, lúa J02, Bắc hương 9 phát triển tốt, chống chịu được bệnh rầy nâu, đạo ôn, khô vằn... , đạt năng suất từ 33-40 tạ/ha, cao hơn các giống lúa truyền thống 40%. Trong vụ chiêm xuân năm nay, Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ lúa tại vùng rươi với giá từ 8.000-9.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Tọa ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) - một trong những hộ tham gia đề tài cho biết trước đây trồng lúa tại vùng rươi chủ yếu để tạo môi trường cho rươi phát triển. Nhưng hiện nay cùng với rươi, lúa hữu cơ đã trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. 100% diện tích lúa ở vùng rươi của xã Vĩnh Lập không bị rầy nâu. Sắp tới nông dân sẽ nhân rộng mô hình và đưa J02 làm giống lúa chính để thâm canh tại vùng rươi.

 Cũng tại vụ xuân năm nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và khảo nghiệm giống tỉnh đã xây dựng thành công mô hình "Sản xuất thử giống lúa CNC11 ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng trên địa bàn tỉnh". Với mô hình này, Ban chủ nhiệm đã lựa chọn 2 phương thức sản xuất giống lúa CNC11 gồm: sản xuất lúa hữu cơ trong vụ xuân tại vùng đất nước lợ (ven sông ngoài đê) thuộc vùng rươi xã An Thanh với quy mô 2 ha vụ xuân; sản xuất lúa tại vùng thâm canh thuộc các xã An Thanh (Tứ Kỳ) và An Đức (Ninh Giang) với diện tích 38 ha. Kết quả, năng suất của giống CNC11 cao hơn giống Bắc thơm 7 khoảng 6 - 8 tạ/ha và thu lãi cao hơn từ 6-7 triệu đồng/ha.


Sản phẩm gạo bãi rươi hữu cơ đã được dán tem truy xuất nguồn gốc

Tốt rươi

Để đánh giá lợi ích việc trồng lúa sẽ góp phần cải thiện môi trường sống cho rươi, năm 2016 Viện Sinh thái và Môi trường nhiệt đới đã xây dựng thử nghiệm mô hình nuôi rươi hiệu quả dựa trên nguyên tắc bảo đảm môi trường sạch, bổ sung thức ăn tự nhiên. Đề tài đã khảo sát 2 cặp đầm đối chứng tại các xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ), Vĩnh Lập (Thanh Hà) với tổng diện tích 15 ha. Cặp đầm đối chứng thứ nhất là đầm trồng lúa và đầm trắng (không trồng cấy) được bón phân hữu cơ hoai mục. Cặp thứ hai là đầm trồng lúa và đầm trắng không bón phân hữu cơ hoai mục. 

Kết quả, đầm trồng lúa được bón phân hữu cơ hoai mục đạt từ 300-400 lỗ/m2, cao gấp 2 lần so với ruộng không trồng lúa. Các hộ có diện tích đầm ngoài bãi sông trồng lúa và bón phân hoai mục đạt năng suất cao, từ 5,7-6 tạ/ha. Các đầm còn lại chỉ đạt từ 1,3-2 tạ/ha. Như vậy, các đầm trồng lúa được chăm sóc theo phương thức hữu cơ sẽ cho năng suất rươi cao hơn. Từ đó, mô hình bán thâm canh rươi - lúa, cấy lúa một vụ đã ra đời.

Hiện nay, ở những diện tích trồng lúa hữu cơ đã bắt đầu xuất hiện rươi con tại các gốc lúa - điều trước đây rất hiếm thấy. Theo một số hộ dân ở các vùng rươi, mật độ lỗ rươi năm nay cao hơn năm trước khoảng 20%. Nếu thời tiết và thuỷ triều thuận lợi, sản lượng rươi năm nay ước đạt từ 6-7 tạ/ha. Qua 2 năm thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ trong vùng nuôi rươi, sản lượng rươi vụ chiêm cũng cao hơn nhiều so với các năm trước. 

Ông Phạm Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng quy mô thực hiện đề tài. Để nâng cao năng suất cho các hộ dân thì ngoài giống lúa J02 và Bắc hương 9, Ban chủ nhiệm đề tài cần tiếp tục thử nghiệm một số giống lúa khác như CNC 11. Các hộ dân cần tuân thủ quy trình hướng dẫn kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp tục quảng bá và xây dựng thương hiệu gạo vùng rươi”. 

ĐỖ QUYẾT- ĐĂNG KHOA

(0) Bình luận
Mô hình thâm canh lúa - rươi mang lại hiệu quả cao