Mình nên hưởng ứng

19/06/2020 08:52

Tranh thủ nắng ráo, mẹ con bà Loan gặt xong mấy sào lúa, thóc phơi khô mà bà còn thấp thỏm vì còn ít rơm khô vẫn để ngoài đồng.

Trời mà mưa thì mấy ngày phơi rơm coi như công cốc. Chiều nay thấy ông Hoan chồng bà rảnh rỗi, bà mới mở lời:

- Chiều nay tôi và ông ra đồng gom ít rơm hôm trước để ở ruộng mang về đi.

Thấy bà Loan nói đến chuyện rơm rạ, ông Hoan có vẻ không vui bảo:

- Có mấy cọng rơm sao phải vội. Hôm nào khô hẳn tôi ra đốt lấy tro đem về cho gọn.

Bà Loan giãy nảy:

- Ô, ông hay nhỉ, bao công lao tôi và con Thơm làm lụng. Giờ ông lại bảo đốt hết đi. Số rơm rạ đó mẹ con tôi dành để ít nữa che rau vụ đông đấy.

- Ôi giời, thiếu gì cách mà bà phải dùng đến rơm rạ. Khum che nilon năm ngoái tôi làm đâu sao bà không mang ra mà dùng. Có vài cọng rơm mà bà tiếc với rẻ cái gì- ông Hoan nói.

Nghe tranh luận của bố mẹ từ nãy, chị Thơm, con gái ông bà bây giờ mới lên tiếng:

- Không nên đốt rơm rạ đâu bố ạ. Đốt rơm vừa gây ô nhiễm môi trường lại lãng phí. Đốt rơm rạ làm đất ruộng bị chai, ảnh hưởng đến canh tác. Đó còn chưa kể ruộng nhà mình lại gần đường cao tốc, đốt rơm sẽ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Bố đốt khói bụi bay vào những nhà ở gần đấy, lại đang nóng nực thế này thì họ khó chịu lắm.

Nghe con gái nói vậy, bà Loan được thể nhấn mạnh:

- Nó nói có lý đấy ông ạ. Nghe nói năm nay thôn mình được huyện hỗ trợ chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón. Năm ngoái nhà bà Hà xóm mình đã làm rồi. Tôi thấy mấy sào cải bắp nhà bà ấy tốt lắm, bà ấy còn bảo tiết kiệm được ối tiền phân bón đấy.

- Đúng đấy mẹ ạ! Tỉnh mình đang khuyến khích nông dân dùng rơm rạ để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, từ đó hạn chế được nạn đốt rơm rạ khó chịu bấy lâu nay. Mình cũng nên hưởng ứng bố mẹ ạ.

Nghe con gái và vợ nói vậy ông Hoan phân trần:

- Là tôi thương mẹ con bà vất vả mới bày ra cách đốt rơm rạ đấy chứ. Nếu ủ được thành phân bón thì còn gì bằng. Thôi chiều tôi và bà cùng mang xe ra chở rơm rạ về nhà nhé.

NGÂN KHÁNH 

(0) Bình luận
Mình nên hưởng ứng