Làm giàu từ tích tụ ruộng đất

18/09/2020 15:10

Gia đình anh Trần Thế Tuấn và chị Trần Thị Mai ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn là hộ điển hình trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ở huyện Nam Sách.


Gia đình chị Trần Thị Mai ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) sử dụng máy cấy mạ khay để giảm thời gian, chi phí sản xuất 

Có dịp ghé qua xã Quốc Tuấn, tôi đã tới thăm gia đình và tận mắt chứng kiến cơ ngơi của anh chị với máy cày, máy cấy, máy phun thuốc, hệ thống lò sấy thóc… phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Khi mới xây dựng gia đình với nhau, anh chị chỉ có hơn 2 sào ruộng, vợ săm sắn chuyện đồng áng, chồng đi phụ xây, nhiều năm vất vả nhưng kinh tế vẫn rất khó khăn. Lúc ấy, một số hộ bỏ ruộng hoang, chị bàn với anh nghỉ làm thợ xây, xin ruộng về cấy. Ban đầu chỉ có 5 - 7 mẫu, dần dần khi những người trẻ tuổi không thiết tha với đồng ruộng do chuột cắn phá, cày cấy tốn công mà thu nhập không cao nên bỏ ruộng đi làm công ty thì ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, cứ ai bỏ là anh chị lại xin để cấy. Chị Mai chia sẻ: “Nhìn thấy ruộng bỏ hoang cỏ mọc um tùm nghĩ cũng mệt lắm, nhưng cứ để thế thì thấy tiếc ruộng nên chúng tôi lại làm. Khi cày bừa sạch cỏ, nhìn ruộng đẹp lại thấy ham”.

Đến năm 2010, tổng diện tích canh tác của gia đình lên đến trên 40 mẫu, anh chị đã vay vốn mua 2 máy cày để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, mỗi vụ chồng chị đi cày thuê được khoảng 20 mẫu để có thêm thu nhập. Chị Mai kể: “Ngày ấy khó khăn lắm, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn, cứ đầu vụ là nhà tôi phải vay mượn dự trữ 100 - 200 triệu đồng trong nhà để trả tiền đạm, lân, công cấy, hết vụ lại gom góp tiền trả nợ”.

Để tiết kiệm chi phí, gia đình chỉ thuê công cấy và công chăm bón, còn khâu bảo vệ thực vật hai vợ chồng chị tự làm. Anh Tuấn còn tự mày mò chế tạo máy phun thuốc sâu tự động, mỗi ngày phun được gần 10 mẫu, so với phun thủ công giảm hẳn 10 công lại bảo đảm hiệu quả, thời vụ phòng trừ. Thấy máy phun hiệu quả, một số hộ trồng hành nhiều ở xã Nam Trung đã đến tìm hiểu và nhờ anh hướng dẫn cách làm.

Không dừng lại ở đó, với tư duy nhạy bén, năm 2015, gia đình anh Tuấn chị Mai đã đi đầu trong việc đầu tư máy cấy mạ khay. Hai vợ chồng tự học hỏi cách gieo mạ, tự vận hành máy. Chị Mai cho biết: “Việc đầu tư máy cấy giúp gia đình vừa tiết kiệm thời gian gieo cấy, mỗi sào chỉ mất khoảng 10 phút cấy, giảm lượng thóc giống, chi phí nhân công, từ đó giảm giá thành sản xuất. Mặt khác, cấy bằng máy mật độ hợp lý tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tăng khả năng quang hợp, giảm sâu bệnh và lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Quốc Tuấn nổi tiếng là vùng chuyên cấy lúa nếp và kinh doanh thóc gạo. Để bảo đảm tiêu thụ thóc thương phẩm ổn định, gia đình chị Mai gieo cấy toàn bộ giống lúa nếp và hợp đồng thu mua với một số đơn vị kinh doanh thóc khô. Gieo cấy diện tích lớn, mỗi vụ thu hoạch lượng thóc nhiều nên gia đình cũng đầu tư giàn lò sấy thóc công suất 3 tấn/lần.

Khi được hỏi vì sao anh chị lại chọn cây lúa để làm giàu trong khi nhiều người từ bỏ vì hiệu quả thấp, anh Tuấn nói: “Hiện nay mỗi hộ thường chỉ có vài ba sào ruộng mà chủ yếu canh tác lúa theo cách thủ công, truyền thống. Do đó, lợi nhuận thu về rất thấp, chủ yếu chỉ “lấy công làm lãi”, thậm chí có khi còn chịu lỗ. Còn chúng tôi, tất cả các công đoạn sản xuất đều được gia đình tự thực hiện bằng cơ giới hóa nên giảm được chi phí”.

Đến nay gia đình chị Mai đã có hơn 50 mẫu ruộng cùng 2 máy cày công suất lớn, 1 máy cấy mạ khay, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, lò sấy thóc... Mỗi vụ, gia đình chị thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ cấy lúa và dịch vụ làm đất.

KIM ÁNH

(0) Bình luận
Làm giàu từ tích tụ ruộng đất