Dồn lực cho xây dựng nông thôn mới

17/03/2018 08:00

Để đạt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đề ra 7 giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp...

Đến ngày 31.12.2018, toàn tỉnh có thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); huyện Cẩm Giàng đạt chuẩn NTM; bình quân các xã trong toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí/xã (riêng đối với các xã còn lại chưa đạt chuẩn, bình quân đạt 15,6 tiêu chí/xã); nâng cao chất lượng tiêu chí NTM ở các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020.

Đây là các mục tiêu UBND tỉnh đặt ra tại kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hải Dương năm 2018.

Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra 7 giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực Ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp. Các thành viên Ban chỉ đạo các cấp tăng cường chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực, địa phương được phân công; thường xuyên kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở cơ sở. Đề xuất những giải pháp với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cấp trên giúp cho các xã hoàn thành các tiêu chí.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của tỉnh về xây dựng NTM vào cuộc sống, phát huy cao sự tham gia tích cực, chủ động của nhân dân và toàn xã hội.

Các địa phương bố trí tỷ lệ ngân sách phù hợp cho xây dựng NTM và tăng cường huy động lồng ghép các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM. Tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM. Tranh thủ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, con em xa quê thành đạt tài trợ xây dựng các công trình NTM. Triển khai đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất dôi dư, xen kẹp và các nguồn thu khác về ngân sách xã để thanh toán các khoản nợ. Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM hằng năm, căn cứ vào khả năng của địa phương và nguồn vốn huy động để xây dựng các công trình có quy mô phù hợp, bảo đảm trước khi đề nghị tỉnh thẩm định không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tập trung triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển những sản phẩm mà địa phương đang sản xuất, có lợi thế cạnh tranh, có thị trường ổn định. Tùy theo điều kiện, lợi thế của từng địa phương để xây dựng phong trào mỗi địa phương có một sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhãn hiệu, thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu ở thôn, xã trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống của nhân dân như giao thông, thủy lợi, nước sạch. Tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, giữ gìn và phát huy nét truyền thống văn hóa tốt đẹp của từng thôn, xã...

Kế hoạch nêu rõ tổng nguồn vốn dự kiến để xây dựng NTM năm 2018 của tỉnh khoảng 3.530 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước 1.170 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng 1.600 tỷ đồng; nguồn vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác 440 tỷ đồng; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 320 tỷ đồng.

UBND tỉnh hỗ trợ mỗi xã 5 tỷ đồng đối với 30 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2018; hỗ trợ 13 xã khó khăn, gồm: An Lương, Thanh Sơn (Thanh Hà); Cẩm Vũ, Ngọc Liên (Cẩm Giàng); Đức Xương, Tân Tiến (Gia Lộc); Đông Xuyên (Ninh Giang); Vĩnh Tuy (Bình Giang); Quang Khải (Tứ Kỳ); Ngô Quyền (Thanh Miện); Kim Khê, Cẩm La (Kim Thành); An Sơn (Nam Sách) để xây dựng 14 công trình với tổng số tiền hỗ trợ 72 tỷ đồng. Đối với huyện Cẩm Giàng, 4 xã chưa đạt chuẩn, ngoài mức hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã, sẽ hỗ trợ thêm 2 tỷ đồng/xã; riêng đối với xã Lương Điền và Cẩm Phúc hỗ trợ thêm mỗi xã 4 tỷ đồng để xây dựng phòng học. Hỗ trợ huyện Cẩm Giàng 20 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí cấp huyện.

HẠNH DUYÊN

(0) Bình luận
Dồn lực cho xây dựng nông thôn mới