Lợn chết chưa rõ nguyên nhân

13/11/2020 11:58

Một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng lợn chết rải rác chưa rõ nguyên nhân. Đáng lo ngại là một số hộ tìm cách bán chạy lợn ốm làm gia tăng nguy cơ lây lan bệnh dịch.


Dù khử trùng chuồng trại thường xuyên nhưng đàn lợn của gia đình ông Quý ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) vẫn có dấu hiệu mắc bệnh

Hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng lợn chết rải rác ở nhiều địa phương chưa rõ nguyên nhân. Lợn trước khi chết có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, da nổi mẩn đỏ... 

Bán chạy lợn ốm

Nửa tháng trước, ông Nguyễn Bá Quý ở thôn Phạm Xá 1, xã Tuấn Việt (Kim Thành) phải bán chạy cả đàn 10 con lợn thịt trọng lượng mỗi con khoảng 60 kg và 1 con lợn nái. Trước đó, năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) càn quét làm toàn bộ đàn lợn của gia đình ông bị tiêu hủy. Đầu năm 2020, ông mua 1 con nái hậu bị để gây giống. Gần 1 năm chăn nuôi, chưa kịp xuất lứa lợn nào thì lợn lại mắc bệnh. Ban đầu, 1 con trong đàn xuất hiện tình trạng bỏ ăn, sốt phát ban sau đó nhanh chóng lan sang các con khác. Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ đàn lợn đều mắc triệu chứng trên. Ông Quý gọi thương lái đến bán tháo cả đàn lợn bệnh với giá chưa đầy 6 triệu đồng. Ông không báo với chính quyền địa phương do sợ không được nhận hỗ trợ của Nhà nước. Ông Quý cho biết trước khi đàn lợn của gia đình bị bệnh thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác trong vùng cũng đã xuất hiện tình trạng này. Lợn chết có nhiều triệu chứng giống với bệnh DTLCP.

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Hữu Hiển ở thôn Linh Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) cũng mất ăn, mất ngủ vì đàn lợn gần 100 con của gia đình xuất hiện tình trạng bệnh tương tự. Ông đã mua nhiều loại thuốc để điều trị và sát trùng chuồng trại nhưng tình trạng lợn bị bệnh không giảm. Hiện đàn lợn thịt đã đạt trọng lượng 70 - 80 kg/con, nhưng ông buộc phải bán tháo toàn bộ với giá khoảng 1 triệu đồng/con, chấp nhận thua lỗ. "Hằng ngày tôi đều phun khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và cả ở khu vực chăn nuôi, không cho người lạ vào khu nuôi nhốt nhưng không hiểu sao lợn vẫn mắc bệnh", ông Hiển nói.

Ông Mạc Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, khoảng 1 tháng nay, tình trạng lợn chết rải rác chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. UBND xã đã báo cáo sự việc lên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách. Trung tâm đã cử cán bộ về lấy mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP, các mẫu bệnh phẩm cho kết quả âm tính. Địa phương đã 5 lần tổ chức vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không bán chạy lợn bệnh. Lợn chết được thu gom và đưa về các điểm trước đây chôn lấp lợn bị DTLCP để xử lý. Hiện xã Nam Hưng đang có tổng đàn lợn khoảng 3.500 con của 200 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. "Lợn chết vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến cả chính quyền địa phương và người dân rất lo lắng. Mặc dù đã tăng cường tuyên truyền nhưng khó tránh khỏi tình trạng bán chạy lợn ốm", ông Hùng thừa nhận.

Tăng cường phòng dịch

Theo tìm hiểu, tình trạng lợn chết bất thường xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. Lợn chết chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học. Từ tháng 6 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy hơn 250 mẫu theo chương trình Giám sát bệnh DTLCP của Cục Thú y. Kết quả, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều âm tính với virus bệnh DTLCP. Hiện nay, chi cục tiếp tục cử cán bộ chuyên môn lấy mẫu ở các khu vực có tình trạng lợn chết bất thường.

Anh Lê Thanh Tùng, Trưởng Phòng Dịch tễ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường nên sức đề kháng của vật nuôi giảm. Lợn dễ mắc các loại bệnh thông thường và nhiễm khuẩn về đường hô hấp. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân người chăn nuôi cần báo với cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm".

Thời gian qua, giá thịt lợn tăng cao đã khiến nhiều hộ chăn nuôi tái đàn dù chưa đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện vẫn chưa phát hiện virus bệnh DTLCP ở các mẫu bệnh phẩm đã lấy. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn bởi dịch bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành phố lân cận đã xuất hiện tình trạng tái phát bệnh DTLCP. Để ngăn chặn DTLCP tái phát, biện pháp duy nhất vẫn là áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Người chăn nuôi cần tiếp tục tiêm phòng bổ sung các loại vaccine theo quy định và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cho đàn lợn. Chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống DTLCP, đặc biệt là không bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, tránh để bệnh lây lan ra diện rộng.

KHÁNH HÒA

(0) Bình luận
Lợn chết chưa rõ nguyên nhân