Các dự án phát triển nông nghiệp loay hoay giải ngân

04/08/2019 07:40

Đến nay một số dự án thuộc đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020'' vẫn chưa được giải ngân.

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản xã Đoàn Kết (Thanh Miện) đã cơ bản được giải ngân hết số vốn hỗ trợ

Vướng mắc

Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, ngày 21.9.2016 UBND tỉnh ban hành đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020". Mỗi năm, tỉnh sẽ bố trí ngân sách 35-40 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án thuộc đề án. Do một số quy định nên đến năm2018, UBND tỉnh mới bố trí được 35 tỷ đồng hỗ trợ 12 dự án của các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang, Gia Lộc và TP Hải Dương. Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay các dự án mới được giải ngân 10 tỷ đồng. Trong đó 2 dự án được giải ngân 100% số vốn gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bãi ngoài đê sông An Đức, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà), vùng nuôi thủy sản tập trung xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ). 2 dự án xây dựng hạ tầng vùng thủy sản tập trung ở các xã Đoàn Kết và Ngũ Hùng (Thanh Miện) cơ bản được giải ngân hết nguồn vốn được hỗ trợ. Các dự án còn lại đều chưa được giải ngân.

Khi xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tập trung vào năm 2017, ông Nguyễn Đắc Viêm ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) đăng ký là hộ cá thể. Khi đó, hộ cá thể vẫn thuộc diện được hỗ trợ theo quy định của UBND tỉnh. Nhưng theo Hướng dẫn 772/HDLN-NN&PTNT-KH&ĐT-TC ngày 11.5.2017 của liên ngành Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hộ cá thể lại không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ. “Do có sự thay đổi nên chúng tôi không thuộc đối tượng được hỗ trợ của dự án. Hiện chúng tôi cũng không biết làm thế nào để nhận được hỗ trợ trong khi dự án đã đi vào hoạt động”, ông Viêm băn khoăn.

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi gia súc, gia cầm của Doanh nghiệp tư nhân Quyết Uyên, HTX Chăn nuôi Việt Hòa thuộc phường Việt Hòa (TP Hải Dương), hay cơ sở chế biến bảo quản nông, lâm sản của HTX Dịch vụ nông nghiệp Minh Huấn ở xã Thái Dương (Bình Giang) lại gặp khó khăn do việc hướng dẫn, triển khai của các phòng chuyên môn đến chủ đầu tư chưa kịp thời. Khi vốn chuyển về, Phòng Tài chính các huyện, thành phố lại không nắm được nguồn vốn để hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.

Theo ông Nguyễn Tiến Tráng, Trưởng Phòng Kế hoạch (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân cho các dự án chậm tiến độ. Trước hết do vướng mắc về xác định đối tượng được hỗ trợ vì một số huyện chưa hướng dẫn kỹ cho người dân dẫn đến làm hồ sơ đăng ký sai đối tượng. Mặc dù các chủ đầu tư đều có doanh nghiệp hoặc là HTX nhưng khi đăng ký dự án lại với tư cách hộ cá thể. Đối với Hướng dẫn 772, một số nội dung vượt quá thẩm quyền của liên ngành về thanh quyết toán.

Ngày 25.12.2018, UBND tỉnh ban hành Quy định hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho một số nội dung thuộc đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020" nhằm tháo gỡ một số khó khăn, đẩy nhanh giải ngân cho các dự án. "Do các ngành, địa phương đợi quyết định hướng dẫn của UBND tỉnh nhưng đến cuối năm tỉnh mới ban hành được nên việc giải ngân năm 2018 chậm", ông Tráng cho biết thêm. 

Mong ngóng

Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Hà, dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò của hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Tiền Tiến đã đưa vào sử dụng từ lâu nên việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định của tỉnh rất khó. UBND huyện Thanh Hà đề nghị cơ quan chức năng giao cho UBND huyện thành lập hội đồng nghiệm thu, tổ chức kiểm tra, nghiệm thu dựa trên hồ sơ thiết kế, dự toán (theo hồ sơ đã lập làm căn cứ trình UBND cấp huyện chấp thuận dự án), đồng thời kiểm tra thực tế việc xây dựng dự án làm căn cứ xác định giá trị cụ thể để hỗ trợ.

Giữa bối cảnh dịch bệnh bủa vây, giá bán xuống thấp như hiện nay, sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người chăn nuôi rất quan trọng. Nhiều người đang mong ngóng sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn. Ông Trần Văn Quyết, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quyết Uyên nói: “Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi với mong muốn tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn. Để có được cơ sở như vậy, ngoài vốn tích góp, chúng tôi còn phải đi vay ngân hàng, bạn bè. Chúng tôi mong các cấp chính quyền sớm tháo gỡ khó khăn để tiền hỗ trợ sớm đến tay người dân''.

Hỗ trợ kinh phí phát triển nền nông nghiệp hàng hóa là một chủ trương đúng đắn, phù hợp, thúc đẩy người dân tích cực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Các cấp, các ngành và bản thân chủ dự án cần tích cực tháo gỡ khó khăn hơn nữa để các dự án được hỗ trợ theo quy định.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Các dự án phát triển nông nghiệp loay hoay giải ngân