Nông nghiệp Việt thay đổi để tận dụng EVFTA

22/07/2019 15:33

Bên cạnh những cơ hội về gia tăng xuất khẩu, việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) cũng đặt ra nhiều thách thức.


Nông nghiệp Việt Nam trước cơ hội thuận lợi sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Qua đó đòi hỏi ngành nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải thay đổi cách làm, cải tiến kỹ thuật để nâng cao tính cạnh tranh, đáp ứng được những yêu cầu chặt chẽ của thị trường khó tính nhưng rất giàu tiềm năng này.

Cơ hội rộng mở cho xuất khẩu nông sản

Với 28 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, Liên minh châu Âu (EU) có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản từ khắp các nước trên thế giới. Hiện tại, EU đang là thị trường xuất khẩu thứ 2 của Việt Nam với 18% lượng hàng hóa xuất khẩu, trong đó chủ yếu là nông sản.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản, Việt Nam xếp thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ nông sản của thị trường EU.

Việc Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU (ngày 30-6-2019) tiếp tục mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Theo đó, khi EVFTA có hiệu lực, toàn bộ nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Đây đều là ngành hàng chính, ngành kinh tế mũi nhọn của ta, như: gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, hoa quả, thủy sản, chế biến... Đây cũng là những ngành hàng được hưởng ưu đãi rất cao ngay từ năm đầu tiên sau khi EVFA có hiệu lực.

Cụ thể, với EVFTA, Việt Nam sẽ được cắt giảm 24% số dòng thuế nông sản về 0% ngay năm đầu và cắt giảm 99% dòng thuế sau 10 năm. Trong đó, thuế các mặt hàng gạo sẽ được giảm về 0% sau từ 3-7 năm; rau quả có 520/556 dòng thuế về 0%, rau quả chế biến có 85,6% dòng thuế về 0%; hạt điều hưởng thuế 0%; cà phê, hạt tiêu có 93% dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực…

Đối với các sản phẩm chăn nuôi sẽ có khoảng 60% dòng sản phẩm sẽ về 0% khi hiệp định có hiệu lực; nhóm thịt gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh có lộ trình cắt giảm thuế 7 năm.

Theo tính toán, sau khi xóa bỏ thuế quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và con số này được nâng lên 42,7% vào năm 2025.

Đánh giá thêm về những cơ hội, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, châu Âu thuộc vùng ôn đới nên không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Do đó, trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Bên cạnh những cơ hội về gia tăng xuất khẩu, EVFTA có hiệu lực cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý hơn từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới và thuỷ sản mà Việt Nam không có.

Đối với các doanh nghiệp, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cũng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nguồn nguyên liệu ổn định, tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý… qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Song hành cùng thách thức

Những ưu đãi về thuế quan của EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận, thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn với 28 quốc gia thành viên. Nhưng đây cũng là một thị trường chất lượng cao, nếu nông sản Việt không qua được cánh cửa tiêu chuẩn thì cơ hội đó sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.

Theo Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), EU là thị trường có đòi hỏi, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, không dễ để đáp ứng. Trong khi đó, tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp của Việt Nam từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Hầu hết, các vùng nguyên liệu nông sản nằm xa nhà máy chế biến, nên gây khó khăn cho việc chế biến xuất khẩu. Đáng nói, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, tự phát, trong khi ở một số nơi, nông dân chưa được hướng dẫn về sản xuất sạch, an toàn, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho nông sản…

Một hạn chế nữa của nông sản Việt Nam là an toàn thực phẩm. EVFTA sẽ khiến các quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam cũng sẽ phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu về các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, vấn đề lao động, bình đẳng giới, cùng với đó là những thách thức trong kiểm soát gian lận thương mại...

Nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng điều kiện xuất khẩu

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn rào cản an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu các sản phẩm trái cây, rau, gạo, chè; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại thị trường châu Âu.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản sang EU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tới đây Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP. Muốn đáp ứng các tiêu chuẩn này, nông dân cần thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, đầu tư vào chế biến, chế biến sâu, xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, tập trung khai thác tối đa những mặt hàng có thế mạnh còn nhiều dư địa xuất khẩu, như: thủy sản, đồ gỗ, rau, quả, gạo…

Theo ông Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp-nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản đáp ứng với điều kiện xuất khẩu theo ưu đãi của EVFTA cũng như tiêu thụ trong nước, nông sản Việt cần có cách tổ chức kênh phân phối sao cho hiệu quả để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhất là đối với các mặt hàng tương đồng. Thông tin sản phẩm phải minh bạch để người tiêu dùng trong nước tin tưởng sản phẩm trong nước hơn sản phẩm nhập khẩu.

Nhận định về thị trường xuất khẩu nông sản sang EU thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ngoài những nỗ lực của các bộ, ngành trung ương đang triển khai các chương trình hành động xúc tiến thương mại cụ thể, thì bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực vượt qua thách thức, tận dụng tốt thời cơ. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến nghị, để khai thác được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực.

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện, từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất… Trong đó, doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý đến chất lượng sản phẩm, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp phải tiến tới sản phẩm nông sản làm ra, xuất khẩu không chỉ tập trung vào số lượng mà cần quan tâm về chất lượng và giá trị. Tức là tiến tới xuất hàng hóa có giá trị cao và có thương hiệu...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông nghiệp Việt thay đổi để tận dụng EVFTA