[Video] Trồng vải, nhãn an toàn, nông dân không lo đầu ra

29/05/2022 07:55

Những năm gần đây, diện tích trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... ở Hải Dương ngày càng được mở rộng. Năng suất, chất lượng tăng, giá bán cao giúp nông dân ngày càng yên tâm sản xuất.


Sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… sẽ tạo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước

Sản phẩm an toàn, chất lượng

Vườn vải sớm của gia đình ông Phạm Văn Thịnh ở thôn Tiên Kiều, xã Thanh Hồng (Thanh Hà) đang cho thu hoạch. Nhà ông trồng hơn 1 mẫu, trong đó có khoảng 3 sào vải sớm đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng 2 tấn, tăng khoảng 10% so với vụ vải trước. Đây là vụ vải đầu tiên ông Thịnh và các hộ trong khu vực sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Các loại thuốc được sử dụng đều là thuốc sinh học, thời gian phân giải nhanh nên khi thu hoạch quả vải không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Vụ này hầu như không có sâu đục quả, đục cuống. Mới đây, khi lấy mẫu quả vải đi kiểm nghiệm, vải ở vùng sản xuất của chúng tôi hầu như không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào nhiều thị trường”, ông Thịnh phấn khởi nói.

Gia đình chị Đỗ Thị Luyên ở khu dân cư Tân Tiến ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh) đã trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4 năm nay. Từ khi sản xuất theo quy trình VietGAP, năng suất nhãn tăng cao hơn so với những vườn nhãn khác trong khu vực. Vụ này chị có khoảng 2 ha, trong đó có 1 ha nhãn sớm. Trung bình mỗi năm, sản lượng nhãn thu về khoảng 25 tấn. Dự kiến vụ nhãn năm nay sẽ cho thu hoạch từ 25-27 tấn. Năm nay, đầu vụ thời tiết bất lợi nên hầu hết các vườn nhãn sớm trong khu vực đều mất mùa, thời gian thu hoạch cũng chậm lại. Tuy nhiên vườn nhãn sớm của gia đình chị vẫn bảo đảm năng suất. Để đạt năng suất cao, việc chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh phải thực hiện đúng kỹ thuật và thời điểm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 8.900 ha trồng vải và hơn 2.000 ha nhãn. Năm nay, tỉnh tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha. Ngoài ra có gần 6.000 ha vải áp dụng sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt. Sản lượng vải ước đạt trên 60.000 tấn, tăng khoảng 10% so với vụ trước. Riêng với cây nhãn, tỉnh đã quy hoạch và hình thành các vùng chuyên canh nhãn ở TP Chí Linh với diện tích hơn 700 ha. Trong đó có khoảng 60 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ở các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám. Để nâng cao chất lượng vải, nhãn và tạo ra nguyên liệu sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, những năm gần đây, tỉnh có cơ chế hỗ trợ mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một trong những mục tiêu cụ thể để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Để tạo ra quả nhãn sạch, bảo đảm chất lượng, người trồng phải tuân thu quy trình kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống tới chăm sóc và cắt tỉa

Tiêu thụ ổn định

Vườn vải sớm của gia đình ông Phạm Văn Giang ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đang vào cao điểm thu hoạch. Toàn bộ 2 mẫu vải sớm với sản lượng ước khoảng 15 tấn vải của gia đình ông đều được được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua với giá tốt. Ông Giang cho biết: “Mới đây, Công ty CP Sản xuất, thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty CP Ameii Việt Nam đã thu mua gần 5 tấn vải sớm để phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp khác đến mua vải. Giá thu mua cao từ 38.000 – 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với vụ vải năm trước. Với giá bán và mức độ tiêu thụ như hiện nay, vụ vải này người trồng vải sẽ thắng lớn”.

Dù còn khoảng 1 tháng nữa, trà nhãn mới của gia đình chị Luyên mới cho thu hoạch nhưng đến thời điểm này, nhiều thương lái, doanh nghiệp đã liên hệ với chị để thu mua. Vụ nhãn năm trước trùng vào thời điểm dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhiều nông sản xuống giá, nhiều hộ trồng nhãn trong khu vực cũng bị ép giá. Thế nhưng toàn bộ sản lượng nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế của gia đình chị vẫn được doanh nghiệp thu mua với giá cao và ổn định. “Năm ngoái, ngoài thương lái, nhiều doanh nghiệp cũng tới thu mua nhãn để phục vụ xuất khẩu, giá thu mua ổn định ở mức 30.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 20% so với bên ngoài. Chỉ cần nông dân tuân thủ quy trình sản xuất để làm ra quả nhãn sạch, chất lượng thì không phải lo đầu ra sản phẩm”, chị Luyên nói.

Theo ông Lê Thái Nghiệp, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt, sản xuất sạch sẽ giúp nông dân tiếp cận với phương thức canh tác hiện đại, nâng cao giá trị nông sản tiến tới ổn định về chất lượng và an toàn cho sức khỏe, đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi tất yếu để tạo nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương mở rộng các vùng VietGAP, GlobalGAP…; phối hợp các bộ, ngành xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm sản xuất.

Xem clip

TRANG HIỀN

(0) Bình luận
[Video] Trồng vải, nhãn an toàn, nông dân không lo đầu ra