Sản xuất quả vải theo hướng hữu cơ

14/04/2022 11:14

UBND huyện Thanh Hà đang triển khai đề tài sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ với mục tiêu nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của tỉnh.


Đề tài sản xuất vải theo hướng hữu cơ được thực hiện trên 3 ha ở các xã Thanh Thủy và Thanh Khê


Sản xuất vải thiều Thanh Hà theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực của tỉnh là đề tài khoa học của UBND huyện Thanh Hà được triển khai trong 3 năm từ 2022-2024.

Hướng đi cần thiết 

Mặc dù nông dân huyện Thanh Hà đã sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhưng quy trình vẫn theo hướng thúc đẩy cây vải tăng năng suất. Từ đó không tránh khỏi người dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí dùng chất kích thích tăng trưởng, ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Vì thế, Ban chủ nhiệm đề tài đã quyết tâm nghiên cứu sản xuất vải theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị, chất lượng vải thiều Thanh Hà. UBND huyện Thanh Hà phối hợp Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện đề tài này với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. 

Đề tài được thực hiện trên 3 ha ở các xã Thanh Thủy và Thanh Khê. Đây là 2 địa phương đã được khảo sát, bảo đảm điều kiện phù hợp để sản xuất vải theo hướng hữu cơ. Những vùng vải đã chọn đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Phân bón để chăm sóc vải chủ yếu là phân gà hoai mục, khô đậu tương, chế phẩm sinh học... hạn chế tối đa sử dụng chất hóa học. Người tham gia mô hình phải có nhật ký ghi chép tỉ mỉ về quá trình sản xuất vải theo hướng hữu cơ, đặc biệt là các loại phân bón sử dụng. 

Sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại huyện Thanh Hà không phải là vấn đề mới vì trước đây đã có một số hộ làm quy trình này nhưng vẫn còn lúng túng. Ông Vũ Văn Mùi ở thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang, một trong những hộ từng áp dụng quy trình trồng vải hữu cơ trong năm 2019 cho biết: "Trồng vải hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học. Vì thế, chăm sóc vải đòi hỏi phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu không sẽ mất trắng". Tuy nhiên, số hộ trồng vải hữu cơ chưa nhiều, chưa có quy trình đầy đủ nên hiệu quả chưa cao. 

Như vậy, người dân Thanh Hà đã chú trọng đến chất lượng quả vải hơn số lượng. Trước thực tế đó, Ban chủ nhiệm đề tài quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình trồng vải hữu cơ. Ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Chủ nhiệm đề tài cho biết trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp xanh) là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Đề tài không chỉ mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ cho vải thiều Thanh Hà mà còn góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm của tỉnh ở thị trường trong và ngoài nước. 

Tích cực tuyên truyền

Theo nhiều nông dân, khi sản xuất vải theo hướng hữu cơ, nhiều khả năng sản lượng sẽ giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Nhiều người băn khoăn nếu vải trong vùng sản xuất theo hướng hữu cơ chưa được ký hợp đồng mua bán trước sẽ rất khó tiêu thụ vì có thể mẫu mã sẽ không đẹp như kỳ vọng. Ông Nguyễn Văn Cường ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy băn khoăn: "Tôi luôn ủng hộ cách làm mới nhưng việc trồng và chăm sóc vải hữu cơ có mang lại lợi nhuận cho người dân hơn so với canh tác truyền thống không?". 

Ông Ngô Bá Định phân tích thêm nếu sản phẩm sạch người dân không lo đầu ra. Vải thiều Thanh Hà đã được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thu mua, có nơi yêu cầu nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu vải không có dư lượng thuốc hóa học sẽ tiêu thụ nhanh. Tuy nhiên, khi thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã tính đến bài toán sản xuất và tiêu thụ phải theo quy trình khép kín. Điều quan trọng là người trồng vải theo hướng hữu cơ phải áp dụng đúng quy trình, kiên trì. Huyện cũng sẽ kết nối để bao tiêu sản phẩm cho người dân trong mô hình.

Năm 2022, Ban chủ nhiệm đề tài đã khoanh vùng vải sản xuất theo hướng hữu cơ, vận động hộ dân tự nguyện thực hiện mô hình, hỗ trợ nông dân cải tạo đất.  

Ngoài tập huấn cho người dân về các quy trình sản xuất, bón phân cải tạo đất, thời gian tới Ban chủ nhiệm đề tài tích cực tuyên truyền cho người dân về lợi ích lâu dài của phương pháp sản xuất hữu cơ. Ban đầu có thể năng suất sẽ hạn chế nhưng bù lại chất dinh dưỡng của đất sẽ được cải thiện. Các quy trình phòng trừ sâu bệnh sẽ phù hợp với cây vải sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ đó, năng suất vải sẽ ổn định trở lại. Cách làm này sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đề tài hứa hẹn nhiều tiềm năng mới cho quả vải vào năm 2023.  

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Sản xuất quả vải theo hướng hữu cơ