Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thúc đẩy phát triển chăn nuôi

31/12/2021 12:15

2021 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, dịch bệnh đe dọa thường xuyên.


Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật 

Song với tinh thần chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật, thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch, nhất là tại các địa phương có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh, xử lý dứt điểm khi có ổ dịch phát sinh trong diện hẹp, không để lây lan. Công tác tuyên truyền về nguy hại của dịch bệnh động vật được tăng cường, giúp người chăn nuôi thay đổi nhận thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, dịch bệnh truyền lây giữa người và động vật. Do đó, người dân đã chủ động khai báo dịch bệnh kịp thời.

Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu bò, 2 ổ dịch tả lợn châu Phi, 2 ổ dịch cúm gia cầm. Các ổ dịch này đều nhỏ lẻ và được phát hiện sớm, các biện pháp xử lý đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, không để dịch lây lan. Các địa phương có ổ dịch được giám sát chặt chẽ và khống chế trong diện hẹp, kiểm soát hiệu quả.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện những biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát và khống chế kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chủ động tổ chức thực hiện giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm sự xuất hiện của virus cúm gia cầm A/H5N6, A/H7N9 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lở mồm long móng, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu bò.  

Trong năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương tiêm phòng vaccine vụ xuân, thu và bổ sung cho đàn vật nuôi. Trong đó có 336.540 liều dịch tả lợn cổ điển, 258.590 liều tụ dấu lợn, 59.600 liều vaccine phòng bệnh tai xanh và lở mồm long móng, hơn 11,6 triệu liều cúm gia cầm, 17.640 liều tụ huyết trùng trâu bò và 71.630 liều vaccine phòng bệnh dại.

Nhờ công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh được triển khai hiệu quả nên chăn nuôi có bước phát triển. Nhìn chung, tổng đàn lợn, gia cầm đều tăng so với năm ngoái. Hoạt động chăn nuôi lợn tăng khá do việc tái đàn, khôi phục sản xuất thực hiện khá hiệu quả. Chăn nuôi lợn ở quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế do chủ động được nguồn cung về con giống, thị trường tiêu thụ sản phẩm, công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường hiệu quả.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn lợn của tỉnh đạt gần 370.000 con, tăng 32,15%; sản lượng lợn hơi xuất chuồng ước đạt 58.200 tấn. Đàn gia cầm tiếp tục được duy trì ổn định với 15,39 triệu con, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng thịt gia cầm đạt 65.550 tấn. Đàn trâu bò chỉ biến động nhẹ theo nhu cầu của thị trường.

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của dịch bệnh động vật, lợi ích công tác phòng chống dịch bệnh động vật để thúc đẩy chăn nuôi tiếp tục phát triển. 

QUYẾT TRANG

(0) Bình luận
Kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thúc đẩy phát triển chăn nuôi