Hải Dương ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng

11/03/2023 07:08

UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan có phương án chủ động đối phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng trên địa bàn.


 Nông dân xã Quang Trung (Tứ Kỳ) khắc phục tình trạng lúa chết do nhiễm mặn

Để chủ động phương án ứng phó khi xảy ra xâm nhập mặn ở một số khu vực cửa sông trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn thường xuyên theo dõi, đo đạc và cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai khi xuất hiện xâm nhập mặn kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND cấp huyện và thông tin cho các phương tiện truyền thông biết để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Phối hợp với các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và cá nhân liên quan để đo mặn tại các trạm đo, điểm đo. Bổ sung nhân lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc đo độ mặn, nhất là khu vực hạ lưu các sông có nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn cao như Cầu Xe, An Thổ (Tứ Kỳ); khu Tam Lưu, Nhị Chiểu (Kinh Môn); khu Liên Hòa, Đại Đức, Tam Kỳ (Kim Thành), khu vực Hà Đông (Thanh Hà)...

Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL)  Bắc Hưng Hải và KTCTTL tỉnh chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó với xâm nhập mặn như thực hiện nghiêm quy trình vận hành hệ thống thủy lợi, kiểm soát mặn, đóng kín các cống lấy nước từ sông ngoài vào khi độ mặn vượt mức cho phép 1‰... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng của xâm nhập mặn, thông tin kịp thời, hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, ứng phó, khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn gây ra trên địa bàn tỉnh.

UBND các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn phối hợp với Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh thường xuyên theo dõi tình trạng xâm nhập mặn, không lấy nước khi độ mặn vượt mức cho phép; có biện pháp khôi phục, cải tạo… khi nước sản xuất đã bị nhiễm mặn. Chỉ đạo các địa phương chủ động tích trữ nước ngọt trong đầm, ao, hồ, kênh mương để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng khá lớn đến việc lấy nước đổ ải, chống hạn tại một số địa phương. Đặc biệt, xâm nhập mặn đã xuất hiện tại các cống Cầu xe, An Thổ (Tứ Kỳ) với độ mặn vượt mức cho phép 1‰. Mới đây, nhiều diện tích lúa ở khu vực huyện Tứ Kỳ bị chết hoặc ảnh hưởng do xâm nhập mặn.  

PV

(0) Bình luận
Hải Dương ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng