Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở Đức Chính

15/03/2023 16:40

Hướng đi này giúp xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) sớm trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.


Cơ sở sơ chế cà rốt của gia đình ông Phùng Văn Trung ở thôn An Phú xuất hàng đi Hàn Quốc

Đổi mới sản xuất nông nghiệp chính là cách tạo luồng sinh khí mới, thúc đẩy phát triển ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Đức Chính (Cẩm Giàng).

Đưa nông sản đến các thị trường khó tính

Những ngày này, không khí sản xuất ở xã Đức Chính nhộn nhịp từ ruộng cà rốt đến các xưởng sơ chế. Cà rốt Đức Chính không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn đến các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất... Nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đến các thị trường này đã mang lại niềm vui, thu nhập lớn cho nông dân.

Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, niềm vui lớn là thị trường Hàn Quốc vừa mở cửa trở lại cho sản phẩm cà rốt. Trong số hơn 20 doanh nghiệp đang nhập khẩu trực tiếp cà rốt Đức Chính có những đơn hàng yêu cầu có sản phẩm ngay từ tháng 1.2023. Các công ty liên hệ với HTX, trực tiếp thương lượng giá nên không bị ép giá khi qua trung gian như trước. Đại diện Tập đoàn Samsung đã đặt mua cà rốt Đức Chính từ năm 2021, đang có dự kiến đến thăm để tăng lượng mua... 


Xưởng sơ chế của gia đình ông Trần Văn Hoằng ở thôn Lôi Xá hoạt động hết công suất trong mùa thu hoạch cà rốt

HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính hiện là cơ sở sơ chế cà rốt lớn nhất ở xã với công suất 100 tấn sản phẩm/ngày. "Riêng ngày 23.2 vừa qua, xưởng chúng tôi xuất khoảng 100 tấn cà rốt sang Hàn Quốc, nhiều nhất kể từ sau Tết Nguyên đán", bà Trần Thị Luyên, phụ trách xưởng sơ chế trên cho biết. 

Thôn An Phú hiện có hơn 100 hộ thuê đất làm gia trại trồng cà rốt và 6 trong tổng số 12 xưởng sơ chế lớn trong xã đều có kho lạnh, với sản lượng sơ chế, đóng gói xuất khẩu đạt 500 tấn/ngày, chiếm khoảng 70% sản lượng của cả xã. Ông Trung cho biết: "Giá cà rốt xuất sang Hàn Quốc hiện đạt 7.000 đồng/kg, cao hơn giá bán trong nước khoảng 13-15%, nên việc thu mua và sơ chế có thể cho lợi nhuận 200-300 đồng/kg".

Sản xuất hàng hóa, chuyên canh 

Xã Đức Chính có 338 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài gần 180 ha bãi sông, xã đã quy hoạch mở rộng khoảng 150 ha nội đồng để chuyên canh cây cà rốt.  

Người dân trong xã còn thuê trên 1.000 ha đất ở các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Hà, TP Chí Linh; một số diện tích thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình… để trồng cà rốt. Khoảng 300 ha trồng cà rốt được cấp chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; các vùng trồng còn lại phần lớn sản xuất theo hướng VietGAP, định hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Đi đầu phải kể đến ông Phạm An Tới ở thôn Lôi Xá. Hơn 20 năm qua ông đã "di cư" cây cà rốt từ Đức Chính đi Đại Đồng (Tứ Kỳ), Hồng Phong (Thanh Miện), Điệp Nông (Hưng Hà, Thái Bình)... "Gần 20 ha cà rốt gia đình tôi trồng ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đang được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP", ông Tới nói.


Ông Phạm An Tới ở thôn Lôi Xá tiên phong đi thuê đất ven sông để làm gia trại chuyên canh cà rốt

Bà Nguyễn Thị Hồng (ở thôn An Phú) có kinh nghiệm thâm canh cà rốt. Bà Hồng cho biết: "Trồng cà rốt bây giờ chú ý nhiều nhất không còn là kích thước củ to hay nhỏ mà là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong củ để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng". 

Xã cũng quy hoạch 3 vùng trồng ngô ngọt rộng 15 ha, có gắn kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; 6 vùng chuyên canh cây dưa, với tổng diện tích 150 ha và 4 vùng chuyên canh cây lúa chất lượng, giá trị cao. Theo ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chính, trong tổng số 1.854 hộ hội viên có tới 1.256 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp năm 2022. Cả xã hiện có 290 hộ làm gia trại, đều sản xuất theo mô hình nông nghiệp hàng hóa. Điển hình ở thôn Đan Tràng có gia đình các ông Nguyễn Văn Khảm làm gia trại rộng 11 ha chuyên cà rốt và dưa hấu, Nguyễn Văn San chuyên canh gần 6 ha cà rốt và 3,5 ha dưa lê... Quanh vùng bãi cà rốt có 56 lồng cá để tận dụng nông sản phế phẩm làm thức ăn cho cá. Điển hình là gia đình ông Phùng Văn Đắp ở thôn Hảo Hội Xuân. 

Đức Chính luôn dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Cẩm Giàng, của tỉnh.  Năm 2021, xã được công nhận đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

TL

(0) Bình luận
Đổi mới sản xuất nông nghiệp ở Đức Chính