Cẩm Đông đa dạng mô hình kinh tế nông nghiệp

28/03/2023 15:00

Xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, là thế mạnh để địa phương xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.


Các thành viên trong Tổ nuôi thủy sản thôn An Lại thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất

Muôn cách làm giàu

Căn nhà hai tầng cao đẹp, thoáng mát nằm ngay cạnh đường trục chính của thôn An Lại là cơ ngơi của vợ chồng ông Lê Đức Hùng. Hơn nửa đời gắn bó với nông nghiệp, trải qua bao thăng trầm, vất vả, đến nay ông Hùng trở thành một trong những hộ giàu lên từ mô hình chăn nuôi tổng hợp. Hiện ông là chủ trang trại nuôi 1.000 gà đẻ trứng và 1,5 mẫu ao nuôi cá. Với kinh nghiệm chăn nuôi dày dặn, mỗi năm ông thu lãi trên 400 triệu đồng từ các mô hình kinh tế. Ông cũng là chủ đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y - thủy sản và là Tổ trưởng Tổ nuôi thủy sản thôn An Lại với 10 thành viên. Ông Hùng chia sẻ: “Từ sau dịch Covid - 19, phong trào nuôi thủy sản ở địa phương chững lại do giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá cá lại giảm. Dù vậy, các thành viên trong tổ tích cực hỗ trợ nhau về công nghệ, kỹ thuật, chia sẻ thị trường và lao động nên chăn nuôi đều có lãi. Kinh tế gia đình của các thành viên phát triển khá”.

Không chỉ có lợi thế nuôi thủy sản, xã Cẩm Đông hiện có nhiều trang trại chăn nuôi gà trứng thương phẩm nhất tỉnh. Khoảng 10 năm trở về trước, gần 50% số trang trại ở Cẩm Đông nuôi gà trắng. Sau khi gà trắng mất giá, không từ bỏ chăn nuôi, các hộ đồng loạt cải tạo chuồng trại và chuyển hướng sang nuôi gà đẻ trứng. Hiện toàn xã có trên 10 trang trại nuôi gà trứng với quy mô mỗi trại từ 15 vạn con trở lên. Trứng gà Cẩm Đông đã xây dựng thành thương hiệu trên thị trường với 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Hộ ông Đào Hữu Luân ở thôn Vĩnh Lại là một trong những hộ đầu tiên chuyển từ nuôi gà trắng sang nuôi gà đẻ trứng. Hiện ông có 5 trại nuôi gà đẻ trứng với tổng đàn khoảng 35 vạn con gồm gà đẻ và gà hậu bị. Chuồng trại được xây dựng thoáng mát và chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Trứng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Mỗi ngày, trang trại của ông xuất khoảng 2 vạn quả trứng tới khắp các tỉnh ở khu vực. Trung bình, ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm từ các trang trại gà trứng và tạo việc làm thường xuyên cho từ 3 - 4 lao động địa phương với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù nằm gần khu công nghiệp Tân Trường, Đại An và nhiều cơ sở kinh doanh khác, nhưng Cẩm Đông vẫn duy trì và phát triển các thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Hiện diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã chỉ còn 344 ha, trong đó có đất nuôi thủy sản là 100 ha. Dù vậy vẫn thu hút một lực lượng lao động tương đối lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ở các trang trại, gia trại. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,2 triệu đồng/người, tăng khoảng 3 triệu đồng so với năm 2021.


Mỗi năm, ông Đào Hữu Luân ở thôn Vĩnh Lại thu lãi hơn 1 tỷ đồng từ trang trại nuôi gà đẻ trứng

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Năm 2022, xã Cẩm Đông là địa phương duy nhất của huyện Cẩm Giàng phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Địa phương đã tự đánh giá hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp thì địa phương chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Xã đã tập trung chỉ đạo, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả; áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện nay toàn xã có 11 trang trại, gia trại, duy trì diện tích nuôi thủy sản với khoảng 100 ha. Toàn xã có 10 máy gặt đập liên hợp và nhiều máy cơ giới phục vụ nông nghiệp như máy cấy, gieo xạ, phun thuốc trừ sâu...

Xã có 2 HTX hoạt động hiệu quả. Ngoài HTX Dịch vụ nông nghiệp, xã đã thành lập HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thương mại Cẩm Đông. Xây dựng được 2 vùng nuôi thủy sản và 1 vùng chăn nuôi tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm trứng gà đã đạt chứng nhận OCOP, có ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. 1 mô hình cấy lúa bằng mạ khay 10 ha và 1 vùng trồng cam, bưởi tập trung rộng 5 ha theo quy trình VietGAP, đã được cấp mã số vùng trồng tại thôn Trung.

Các mô hình đã góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương và tăng hiệu quả kinh tế. Ông Đỗ Văn Quyên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Đông cho biết: “Xã có xuất phát điểm thấp nhưng lại có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho người dân, địa phương sẽ tập trung khai thác những thế mạnh sẵn có, nâng cấp cả về quy mô và chất lượng. Ngoài trứng gà Cẩm Đông, xã sẽ đưa nhiều sản phẩm nông nghiệp khác lên tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử". 

Những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân Cẩm Đông vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩm Đông đa dạng mô hình kinh tế nông nghiệp