Nồng đượm bức tranh quê

28/05/2016 13:33

Mở đầu bức tranh quê của cảnh vật trong Trưa hè là không gian thoáng đãng, mát dịu. Bầu trời xanh

Trưa hè

Trời trong biếc không mây qua gợi trắng
Gió nồm nam lộng thổi cánh diều xa
Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu

Ngoài đê thẳm không người đi vắng vẻ
Lũ chuồn chuồn rỡn nắng đuổi nhau bay
Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ
Của vài người cưỡi ngựa đến xua ngay.

ANH THƠ

biếc không một gợn mây trắng bay, ngọn gió nồm thổi về mát rượi nâng cánh diều tuổi thơ bay xa tít tắp tầng cao. Không một kỹ thuật ngôn ngữ, thông qua sự lắng đọng của tâm hồn thi sĩ, Trưa hè có độ chín và cao tay nhờ vào chính sự tinh tế của hồn thơ tác giả. Tả cảnh mà gợi mở lòng người, tả cảnh mà dệt được một miền quê nồng đượm, yêu thương và lắng sâu vào cảnh vật. Từ cái nhìn vút cao của không gian trời rộng, Anh Thơ đưa cái nhìn gần hơn để bắt gặp sự thân mật đang vồn vã tỏa bung từ hoa lựu vườn nhà:

Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng
Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua


Hay lắm! Màu đỏ của hoa lựu tương phản với sắc vàng của muôn ngàn cánh bướm lướt qua càng tô điểm thêm cho bức tranh buổi trưa hè rực sáng. Cảnh vật sáng tươi nhưng không chói gắt đã gợi ra một miền không gian êm ả, thanh bình. Cái động và cái tĩnh, màu vàng và sắc đỏ, bầu trời và cánh diều, hoa lựu và lũ bướm... tất cả như song hành, luyến láy mến thương. Người ta thường chê thơ tả thực quá sẽ làm mất đi chất thơ, hồn thơ vì thơ cần sự ảo diệu, kín đáo, nhưng với tôi, nếu nhà thơ biết miêu tả cảnh vật đúng điệu hồn chiêm cảm của mình, hình ảnh thơ vẫn có khả năng mang lại một sức gợi đặc biệt. Trong trường hợp của nhà thơ Anh Thơ, phải nói rằng nhiều thi phẩm đã làm được điều đó. Cảnh vật và và hồn người song hành và cùng làm nên phách điệu luyến thương níu hồn người đọc phải dừng chân ngẫm ngợi sâu hơn để rồi đồng cảm, bâng khuâng với tâm tình tác giả.

Hoàn thiện một bức tranh buổi trưa hè thoáng đãng và đầy tươi sáng, Anh Thơ bằng cảm quan quen thuộc của mình đã tập trung bút lực miêu tả cảnh sinh hoạt của con người nơi miền quê thanh tĩnh. Nếu buổi sáng mùa hè, con người có hoạt động riêng như quét sân, vớt muống dưới ao bèo, thì đến trưa hè, nhà thơ đã có được những cảnh quay cũng đầy thú vị. Hình ảnh "Các bà già đưa võng hát, thiu thiu..." quả thật rất tự nhiên và thấm đẫm chất hiện thực. Bút pháp tự sự lúc này đã phát huy hiệu quả bằng kỹ thuật viết ngắn và chắt lọc của thơ, nhờ đó đủ sức cảm hóa trái tim bạn đọc bằng nhiều hình ảnh sinh động khác nữa:

Trong thôn vắng, tiếng gà xao xác gáy
Các bà già đưa võng hát, thiu thiu...
Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy
Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu


"Những đĩ con ngồi buồn lê bắt chấy/Bên đàn ruồi rạc nắng hết hơi kêu" là hai câu thơ cực hay miêu tả cảnh sinh hoạt trong thơ lúc bấy giờ. Nếu như thơ Bàng Bá Lân chỉ là những nét vẽ thoáng qua về miền quê đồng bằng Bắc Bộ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 thì thơ Anh Thơ lại đậm chất cụ thể, như khắc, như chạm sâu hơn vào làng quê thuở ấy. Ở khổ thơ cuối bài, vươn xa hơn phương thức miêu tả, tác giả đã để cho hồn mình thoáng nhẹ bâng khuâng qua "tiếng nhạc đồng buồn tẻ", từ đó dệt nên cái thanh vắng, thâm trầm của một miền quê Bắc Bộ vào buổi trưa hè. Thơ Anh Thơ, thường đến khổ cuối mới gieo rắc chút thầm thì của tình đời, tình người đọng lại qua cảnh vật. Ở bài thơ Trưa hè này cũng vậy, tình thơ ấy là chút bâng khuâng của tiếng nhạc lòng lắng dịu, bâng khuâng giữa một miền quê thanh vắng:

Ngoài đê thẳm không người đi vắng vẻ
Lũ chuồn chuồn rỡn nắng đuổi nhau bay
Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ
Của vài người cưỡi ngựa đến xua ngay.

Nếu Sáng hè có độ trong trẻo, tươi sáng của cảnh vật và con người thì bài thơ Trưa hè có sự nồng đượm và lắng của một tâm hồn biết dừng lại lắng nghe "tiếng nhạc đồng buồn tẻ", từ đó nhà thơ phả hồn vào bức tranh thiên nhiên một điệu tình quê tha thiết, bâng khuâng. Không gian buổi trưa hè nơi miền quê nghèo khổ vừa gợi được sự vất vả, gian lao, nhưng đồng thời cũng giúp người đọc cảm nhận được sự thanh bình, yên ả. Soi vào sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân nước Việt, ai chẳng thấy nao nao một niềm yêu với non sông đất nước thời Pháp thuộc qua tâm tình của nữ sĩ Anh Thơ, nhất là qua bài thơ Trưa hè khá độc đáo này.

LÊ THÀNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nồng đượm bức tranh quê